Bất động sản

TP. HCM: 124 dự án bất động sản bị rà soát được hoạt động trở lại

Thông tin mới nhất cho biết 124 dự án bất động sản trước đây tại TP. HCM bị rà soát, thanh tra, nay các cơ quan chức năng đã liên hệ với chủ đầu tư để làm việc, bổ sung hồ sơ.

TP. HCM: 124 dự án bất động sản bị rà soát được hoạt động trở lại

TP. HCM: 124 dự án bất động sản bị rà soát được hoạt động trở lại.

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, trong hơn 2 năm qua, thành phố có hơn 150 dự án bị "đóng băng" không được tiếp tục triển khai. Những dự án này nằm trong diện bị rà soát, thanh tra, các thủ tục pháp lý liên quan chưa được xem xét và giải quyết kịp thời. Chính điều này đã khiến cho không ít doanh nghiệp gặp phải khó khăn vì đọng vốn, tồn kho,...

Song hiện nay, thành phố đã cho phép 124 dự án, chiếm 78% trên tổng số hơn 150 dự án bị rà soát được hoạt động trở lại bình thường. Tuy nhiên, hiện các cơ quan chức năng không công bố danh sách dự án để dư luận được rõ.

Giải thích về việc không công khai danh sách dự án được tiếp tục triển khai, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, việc không công bố để tránh làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Do đó, thành phố chỉ công khai đến doanh nghiệp và mời doanh nghiệp lên thông báo dự án trước đây khi thanh tra phải dừng lại, nay các sở ngành sẽ triển khai tiếp các thủ tục như đóng tiền sử dụng đất...

Theo chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, việc TP. HCM tháo gỡ 124 dự án sẽ tạo nhiều hiệu ứng tích cực cho thị trường địa ốc từ nay đến năm 2020. Tin vui này sẽ giải tỏa phần lớn khó khăn của nhà đầu tư, doanh nghiệp do dự án bị ách tắc. Đồng thời, thúc đẩy các dự án này nhanh chóng triển khai và về đích.

Đối với những dự án chưa bán sẽ từng bước hoàn thiện pháp lý, hội tụ đủ điều kiện mở bán, gia tăng thêm nguồn cung mới cho thị trường nhà ở. Còn đối với dự án đã mở bán nhưng bị đình trệ sẽ không bị hồi tố và tái khởi động, người mua (khách hàng) sẽ được yên tâm về pháp lý của tài sản.

Ngoài ra, việc tháo gỡ này cũng góp phần rút ngắn được thời gian làm thủ tục pháp lý. Từ đó, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí lãi vay, giảm thiểu được rủi ro trong quá trình đầu tư, hàng hóa nhanh chóng được đưa ra thị trường nên giá thành sản phẩm sẽ ít bị đẩy lên do sự khan hiếm và độc quyền.

Tin mới lên