Bất động sản

TP. HCM: 95% doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã hoạt động trở lại

(VNF) - Chiều 1/11, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. HCM tổ chức họp báo về một số vấn đề nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố 24 giờ qua.

TP. HCM: 95% doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã hoạt động trở lại

TP. HCM: 95% doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã hoạt động trở lại (ảnh minh họa)

Về tình hình phân luồng sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, tính đến ngày 1/11, tổng số doanh nghiệp đăng kí hoạt động trở lại là 1.342/1.412 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 95%.

Trong đó, số lao động làm việc là 216.000/288.000 lao động, đạt 75%. Riêng tại khu công nghệ cao, theo ghi nhận có 88/88 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 100%) với 145.000 người công nhân viên (đạt 84%).

Theo bà Kim Ngọc, đến ngày 1/11, trên địa bàn thành phố có hơn 6.500 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đăng ký tổ chức sản xuất trở lại.

Các quận, huyện và TP. Thủ Đức đang tiếp tục cập nhật số lượng doanh nghiệp đăng ký phương án hoạt động lại để gửi về Sở trong thời gian tới.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021 của Cục Thống kê TP. HCM, từ ngày 1/1/2021 đến 15/10/2021, TP. HCM đã cấp phép cho 23.847 doanh nghiệp với tổng số đăng ký 392.624 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép giảm 28,1% và vốn giảm 47%.

Trên lĩnh vực nội thương, bước sang tháng 10, hoạt động thương mại dịch vụ bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, đây là thời điểm gần cuối năm, nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân cũng thường tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 dự ước đạt 43.602 tỷ đồng, tăng 27% so với tháng trước và giảm 52,3% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2021 giảm 0,41% so với tháng trước, tăng 2,02% so với tháng cùng kỳ năm trước và bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 2,52% so với bình quân năm 2020.

So với tháng trước có 4 nhóm chỉ số giá giảm gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; bưu chính viễn thông. Các nhóm hàng còn lại đều tăng so tháng trước, tăng cao nhất là nhóm giao thông ( tăng 2,14%).

Về xuất – nhập khẩu hàng hóa, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP. HCM vẫn đạt được mức tăng trưởng dương. Trong 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến thu ngân nhà nước trên địa bàn TP, tuy nhiên tổng thu cân đối ngân sách 10 tháng đầu năm 2021 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ, không kể nguồn thu từ quỹ dự trữ tài chính thì tổng thu ngân sách ước tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Kết quả này đạt do kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng và tác động từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP góp phần làm tăng tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2021.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. HCM lũy kế 10 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 311.895 tỷ đồng, đạt 85,5% dự toán và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng chi ngân sách địa phương (chưa tính tạm ứng) lũy kế 10 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 58.312 tỷ đồng, đạt 60,1% dự toán và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 56.409 tỷ đồng, đạt 60,8% dự toán, chiếm 96,7% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới lên