Ngân hàng

TP. HCM: Các tổ chức tín dụng được miễn trừ quy định ‘3 tại chỗ’, ‘1 cung đường-2 địa điểm’

(VNF) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP. HCM đã ra văn bản 2337 yêu cầu các doanh nghiệp được phép hoạt động phải thực hiện một số điều kiện về phòng chống dịch, trường hợp không đảm bảo các điều kiện này, phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng không phải áp dụng văn bản này.

TP. HCM: Các tổ chức tín dụng được miễn trừ quy định ‘3 tại chỗ’, ‘1 cung đường-2 địa điểm’

TP. HCM: Các tổ chức tín dụng được miễn trừ quy định ‘3 tại chỗ’, ‘1 cung đường-2 địa điểm’

Văn bản 2337 của UBND TP. HCM quy định: các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố được phép hoạt động sản xuất khi đảm bảo một trong hai trường hợp: một là đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ; hai là đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”: chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Trong trường hợp không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì doanh nghiệp phải dừng hoạt động; thời gian dừng hoạt động bắt đầu từ 00 giờ 00, ngày 15/7 cho đến khi có thông báo mới.

Tuy nhiên, trong văn bản mới nhất gửi tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. HCM, Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh TP. HCM cho biết: các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp đặc biệt, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực ngành nghề thiết yếu được duy trì hoạt động trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và các văn bản của TP. HCM.

Vì thế, việc thực hiện các biện pháp và điều kiện tại văn bản 2337 như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thông thường đối với các tổ chức tín dụng phát sinh nhiều khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước TP. HCM đã báo cáo và kiến nghị đến UBND thành phố không áp dụng các điều kiện tại văn bản 2337 đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh và phòng giao dịch, điểm giao dịch của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố.

Đề nghị này đã được Phó chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức đồng ý.

Tuy nhiên, để đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh TP. HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ.

Thứ nhất, các tổ chức tín dụng tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống dịch tại đơn vị và trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đặc biệt là phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch của Chính phủ, của UBND thành phố và các yêu cầu của chính quyền địa phương, cơ quan y tế (nơi có địa điểm hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh và phòng giao dịch của tổ chức tín dụng).

Thứ hai, các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện nghiêm túc các phương án về phòng chống dịch đã đề ra; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K trong phòng chống dịch và báo cáo kịp thời những phát sinh liên quan dịch tễ tại đơn vị với chính quyền và cơ quan y tế địa phương (nơi tổ chức tín dụng có địa điểm hoạt động).

Thứ ba, các tổ chức tín dụng đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng và tiếp tục tổ chức tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, tác động của dịch Covid-19 theo cơ chế của Thông tư 01 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp.

Thứ tư, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước TP. HCM động viên, động lực tinh thần ‘tương thân tương ái’, tinh thần đoàn kết và chia sẻ đối với các tổ chức tín dụng và toàn thể cán bộ nhân viên ngành ngân hàng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước TP. HCM cũng hành động để cùng đồng bào thành phố chống dịch, cùng vượt qua khó khăn, đồng thời vận động mọi nguồn lực (bằng cơ chế chính sách, bằng tài chính, bằng nhân lực và tinh thần) để tham gia cùng chính quyền thành phố, chia sẻ và hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân trong điều kiện dịch Covid-19 hiện nay.

Thứ năm, tại buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP. HCM, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cho biết sẽ có thông tin hướng dẫn các quận, huyện về vấn đề các tổ chức tín dụng, chi nhánh và phòng giao dịch của tổ chức tín dụng không phải thực hiện điều kiện ‘3 tại chỗ’ như các doanh nghiệp được nêu tại văn bản 2337.

Tuy nhiên, để nhanh chóng và kịp thời, Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh TP. HCM cũng yêu cầu các lãnh đạo tổ chức tín dụng tổ chức triển khai thực hiện ngay văn bản này, phối hợp với chính quyền các quận, huyện để tổ chức thực hiện, đảm bảo duy trì hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả của ngân hàng;

Đồng thời, duy trì chế độ báo cáo đột xuất (khi có vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động, công tác phòng chống dịch) về Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh TP. HCM (thông qua phòng Tổng hợp kiểm soát nội bộ) bằng hình thức văn bản qua mail, điện thoại.

Tin mới lên