Bất động sản

TP. HCM đặt mục tiêu hoàn thành loạt quy hoạch trong năm 2023

(VNF) - Năm 2023, TP. HCM đặt mục tiêu hoàn thành công tác lập quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040; Đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP. HCM đến năm 2040; Kế hoạch bán đấu giá nhà đất công, đề án khai thác quỹ đất dọc metro, dọc Vành đai 3…

TP. HCM đặt mục tiêu hoàn thành loạt quy hoạch trong năm 2023

Lãnh đạo TP. HCM tham dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ

Ngày 3/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Theo đại diện UBND TP. HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,03% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 2022 là 6-6,5%); cao hơn mức tăng trung bình của cả nước là 12,6% (cả nước đạt 8,02%).

Thu ngân sách ước đạt 472 nghìn tỷ đồng, đạt 122% dự toán được giao và tăng 23,6% so với cùng kỳ; đóng góp khoảng 26,5% tổng thu ngân sách cả nước (tổng thu cả nước 1.784 nghìn tỷ).

Trong năm 2022, thành phố đã khánh thành cầu Thủ Thiêm 2, hoàn thành các thủ tục khởi công dự án Vành đai 3 và nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng.

Bên cạnh những mặt tích cực, TP. HCM nhìn nhận, một số chỉ tiêu mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, thành phố cũng đối mặt với nhiều khó khăn chung từ bối cảnh trong nước và quốc tế; khả năng hấp thụ vốn của nhiều lĩnh vực còn thấp; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố bước đầu còn một số khó khăn do thể chế chưa được điều chỉnh một cách đồng bộ.

Đối với 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022, dự kiến có 14/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; có 2/19 chỉ tiêu dự kiến không đạt và có 3/19 chỉ tiêu chưa đủ cơ sở tính toán và đánh giá.

Năm 2023, dự báo TP. HCM có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Thành phố xác định chủ đề năm 2023 là 'Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội' với 17 chỉ tiêu.

TP. HCM cũng triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó có đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác lập quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040; Đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP. HCM đến năm 2040.

TP. HCM cũng xúc tiến thủ tục xây dựng đề án 'Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ'; Xây dựng tiêu chí thu hút FDI, đề án huy động đầu tư xã hội; Chính sách phát huy kiều hối và định hướng dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, TP. HCM tiến hành triển khai Kế hoạch sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài sản công; Kế hoạch bán đấu giá nhà đất công, đề án khai thác quỹ đất dọc metro, dọc Vành đai 3…

Đại diện UBND TP. HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành 3 nội dung. Đó là, quan tâm chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm những nội dung kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với TP. HCM ngày 27/7/2022 (TBKL số 250/TB-VPCP ngày 17/8/2022) và tại buổi làm việc ngày 27/11/2022 (TBKL số 289/TB-VPCP ngày 22/12/2022).

Tiếp theo là, tiếp tục quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ thành phố trong quá trình làm việc với các Bộ để thống nhất nội dung, trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 để trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2023.

Cuối cùng là, quan tâm, hỗ trợ thành phố trong việc triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030.

Tin mới lên