Bất động sản

TP. HCM đề xuất cắt điện nước đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

(VNF) - UBND TP. HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành cấp phép đầu tư hoạt động đối với một số ngành có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

TP. HCM đề xuất cắt điện nước đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

UBND TP. HCM cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó bổ sung biện pháp cưỡng chế bằng hình thức ngưng cung cấp điện, nước để các doanh nghiệp vi phạm chấp hành nghiêm quyết định xử phạt.

Phối hợp với Bộ Công Thương bổ sung các quy định ràng buộc trong việc cung cấp điện, nước cho các cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh khi các đơn vị này vi phạm hành chính thuộc trường hợp buộc tạm đình chỉ hoạt động. 

Bộ Kế hoạch Đầu tư hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp hoạt động không đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh. Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành quy trình rút tên đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong thời gian tới, TP. HCM sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để; thường xuyên giám sát các sơ sở đã thực hiện rút tên, tránh để xảy ra trường hợp tái vi phạm.

Tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải; cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. 

Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu đề xuất tăng các loại phí, lệ phí và đề xuất các loại phí, lệ phí mới vào hoạt động doanh nghiệp có ảnh hưởng đến môi trường.

Hồi cuối tháng 11/2017, UBND TP. HCM đã có văn bản giao Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) chủ trì trinh sát, điều tra xử lý đối với các cơ sở tại khu phố 4 và khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 gây ô nhiễm môi trường kéo dài, lặp lại nhiều lần mà không khắc phục được, có dấu hiệu hoạt động trở lại, không chấp hành các quyết định của cơ quan Nhà nước.

Đồng thời thành phố cũng giao Sở Công Thương đề xuất giải pháp niêm phong nguồn điện sản xuất, tránh trường hợp hoạt động trở lại của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài, lặp lại nhiều lần.

Khu phố 4 và khu phố 5 của phường Đông Hưng Thuận, quận 12 có 21 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư buộc phải di dời theo Quyết định 2033 năm 2016 của UBND TP. HCM. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số cơ sở chưa di dời.

Tin mới lên