Thị trường

TP. HCM đề xuất giảm thuế VAT còn 5% do doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19

(VNF) - Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP. HCM đã đề xuất Chính phủ xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021.

TP. HCM đề xuất giảm thuế VAT còn 5% do doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19

TP. HCM đề xuất giảm thuế VAT do doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Sáng 10/6, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ trực tuyến giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sự phát triển của thành phố không thể tách rời sự phát triển của doanh nghiệp, thành phố không thể đứng ngoài cuộc.

Ngay từ đầu năm 2021, thành phố đã chủ động đẩy mạnh các giải pháp xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, với mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nhiều đề án được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của dân.

Thực tế, trước làn sóng dịch Covid-19, kinh tế TP. HCM đã có những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên từ ngày 27/4, dịch bùng phát trở lại ở thành phố, xuất hiện nhiều chùm lây bệnh và hiện thành phố vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp lây nhiễm gia tăng. Dù không mong muốn, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội.

"Với nỗ lực lớn, đến nay, thành phố cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4. Tuy nhiên, tình hình diễn biến phức tạp, kinh tế thành phố cũng như cộng đồng doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng nặng nề", ông Phong cho biết.

Tại hội nghị, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. HCM cho hay 5 tháng đầu năm 2021, có 6.461 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 89,69% so với cùng kỳ 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước 174.608,470 tỷ đồng, đạt gần 48% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. HCM, thời gian qua các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có 2.458 doanh nghiệp giải thể, tăng 5% và 9.849 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng gần 24% so với cùng kỳ 2020.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thành phố dự kiến kiến nghị Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi doanh nghiệp thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong nước; chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu, đề xuất thực hiện một loạt giải pháp hỗ trợ trọng tâm.

Về tài chính, thành phố sẽ kiến nghị xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021, xem xét kéo dài giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp du lịch 2021; xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021.

Đồng thời, phối hợp Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp trong 2 năm.

Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất, lùi thời hạn đóng kinh phí công đoàn... Tăng mức trợ cấp thất nghiệp từ bằng 60% lên 80% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA), cho biết doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn. Cùng với đó, giá nguyên liệu tăng lên chưa biết điểm dừng. Chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm. Theo ông Dũng, nhiều doanh nghiệp muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, đẩy mạnh mua bán online… nhưng đều đang kẹt về vốn.

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội lương thực - thực phẩm TP. HCM (FFA), Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thực phẩm từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng mạnh khiến doanh nghiệp trong ngành đã khó vì Covid 19, nay càng khó hơn.

Theo ông Hiến, các doanh nghiệp đang như đứng trên đống lửa vì lợi nhuận ngày càng sụt giảm nghiêm trọng, trong khi chi phí cho công tác đảm bảo an toàn phòng dịch tăng cao.

Nói về hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, ông Chu Tiến Dũng cho biết thêm, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp rất thấp.

Theo ông Dũng, cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo Nghị định 52, khắc phục các rào cản của các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ LĐ-TB&XH ban hành.

Song song đó, ngân hàng xem xét, nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và cho vay mới theo lãi suất ưu đãi, khuyến khích ngân hàng cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh.

HUBA cũng đề nghị lãnh đạo thành phố kiến nghị Chính phủ có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể về chương trình tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 cho công nhân, người lao động trong thời gian sớm nhất có thể.

Tin mới lên