Tiêu điểm

TP. HCM: Doanh nghiệp kiệt quệ, chính quyền sẽ cạn nguồn thu

(VNF) - Ngày 2/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM tiếp xúc các cử tri doanh nghiệp trên địa bàn.

TP. HCM: Doanh nghiệp kiệt quệ, chính quyền sẽ cạn nguồn thu

TP. HCM: doanh nghiệp kiệt quệ, chính quyền sẽ cạn nguồn thu (ảnh minh họa)

Doanh nghiệp tê liệt

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA), trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tại TP. HCM, các doanh nghiệp hầu hết các ngành nghề, các lĩnh vực đều rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh. Trong đợt dịch lần này chỉ có khoảng 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, "1 cung đường 2 điểm đến". Tuy nhiên việc duy trì ở mức chi phí cao, thua lỗ nặng, không thể kéo dài bền vững được.

Kết quả khó khăn của doanh nghiệp đã làm cho số lượng giải thể, đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh cao hơn nhiều so với số thành lập mới. Các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực vận tải, du lịch, hoặc không thuộc ngành thiết yếu theo quy định.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM Chu Tiến Dũng phát biểu trong buổi Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM tiếp xúc cử tri doanh nghiệp. (Ảnh: Việt Dũng)

Khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch chỉ còn dòng tiền giúp duy trì hoạt động "ít hơn 1 tháng" chiếm gần 40%; 17,7% doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng chỉ còn dòng tiền duy trì được dưới 1 tháng. Tỉ lệ doanh nghiệp có dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng quanh mức 46%.

Theo báo cáo thống kê thì đến tháng 8/2021, TP. HCM có 24.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường tính từ đầu năm, chiếm 28,1% và tăng 6,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên con số thực tế còn cao hơn nhiều vì một số lớn các doanh nghiệp chưa khai báo.

Về tình hình lao động, qua số liệu khảo sát, có tới gần 30% lao động bị mất việc làm. Trong đó ngành da giày giảm rất sâu ở mức 62%; ngành dệt may giảm 42,6%; ngành dịch vụ lưu trú (khách sạn) giảm 37%; ngành dịch vụ ăn uống giảm 38%...

Theo ông Chu Tiến Dũng, nguồn lực của doanh nghiệp đã cạn kiệt, không còn đủ vốn để phục hồi sản xuất nhanh được. Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM cũng đề xuất xem xét giải quyết các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19.

Theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM ,TP. HCM có tổng số hơn 4,7 triệu người lao động đang làm việc, trong đó có trên 3,2 triệu lao động thuộc khối sản xuất, kinh doanh; hơn 50% trong số này là lao động ngoại tỉnh.

Thời gian qua, TP. HCM phối hợp với các địa phương đưa trên 33.000 người về các tỉnh, thành; chưa kể những người đã tự về quê trước đó chưa được thống kê. Nhiều người lao động có nguyện vọng quay lại TP. HCM làm việc nhưng vẫn chưa thể quay lại do yêu cầu phòng, chống dịch, quy định đi lại khó khăn giữa các địa phương...

Doanh nghiệp vốn đang sức yếu sẽ càng giảm năng suất, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu lao động. Doanh nghiệp rất cần những chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực như phối hợp tổ chức các chuyến xe đưa người lao động từ các địa phương về TP. HCM; thiết lập các "vùng đệm" khám sàng lọc, hỗ trợ lưu trú tạm thời 14 ngày cho người lao động ngoại tỉnh tại các chung cư tái định cư bỏ trống, các trường học chưa có học sinh quay lại, ưu tiên tiêm vắc xin, xét nghiệm an toàn trước khi doanh nghiệp đón người lao động quay lại nhà máy làm việc.

'Dòng tiền như oxy của doanh nghiệp'

Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM Phạm Văn Việt nhấn mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động, dòng tiền như oxy đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất bởi quy định ngặt nghèo tại Luật tổ chức tín dụng. Nếu muốn được giải ngân doanh nghiệp phải đảm bảo: không có nợ xấu, đảm bảo doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo….

"Đại dịch đã khiến doanh thu doanh nghiệp sụt giảm, lợi nhuận âm, không có tài sản đảm bảo, dự báo khôi phục hoạt động phải trên 2 năm trong khi điều kiện cho vay của ngân hàng thương mại không đổi”, ông Phạm Văn Việt bình luận và đề nghị cần có quy chế đặc biệt để tất cả các doanh nghiệp tiếp cận được hỗ trợ ưu đãi lãi suất, không phân biệt ngành nghề.

Ông Phạm Văn Việt cũng nêu, dù dự kiến tháng 10/2021, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính trình Quốc hội gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm (khoảng 3.000 tỷ đồng) trên tổng dư nợ 100.000 tỷ đồng thì các doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được nếu không sớm ban hành một cơ chế đặc biệt cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty VIETRAVEL cũng nêu ý kiến, doanh nghiệp cần hỗ trợ tài chính như người bệnh cần oxy. Nếu chậm trễ thì e rằng rất nhiều doanh nghiệp tốt sẽ bị chết, làm suy yếu nội lực của doanh nghiệp và Nhà nước sẽ mất nguồn thu sau này.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng để có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận vay vốn mới, với lãi suất vay thấp, không phải thế chấp tài sản để doanh nghiệp phục hồi lại được sản xuất.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ đã ban hành, đại diện HUBA đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp chỉ đạo để ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay và kéo giãn thời gian trả nợ vốn, lãi vay tương ứng với thời gian cơ cấu lại các khoản nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 14 vừa ban hành.

Đồng thời, cho phép mở rộng "room" cho vay đối với các doanh nghiệp để có vốn phục hồi sản xuất. Chính quyền địa phương cần đơn giản hoá thủ tục cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68; giảm thu phí giao thông đường bộ...

Bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi ngày TP. HCM thu 1.400 tỷ đồng. Đến tháng 7/2021, còn 700 tỷ đồng/ngày và đến tháng 9/2021 chỉ còn hơn 600 tỷ đồng/ngày, giảm hơn 50% so với mức thu của một ngày bình thường. Nguyên nhân doanh nghiệp không sản xuất, không có nguồn thu nên TP. HCM không thu được ngân sách. GRDP của TP. HCM vào đầu tháng 8/2021 sẽ âm 2,8%, đến tháng 9/2021 sẽ giảm sâu hơn nữa, dự kiến âm 5,6%.

Từ khoá: TP. HCM, HUBA, Covid-19,
Tin mới lên