Thị trường

TP. HCM: 'Doanh nghiệp thực phẩm thiếu vốn khi phục hồi kinh doanh'

(VNF) - Ngày 13/12, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. HCM (ITPC) phối hợp cùng với Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM (FFA) khai mạc Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm năm 2021.

TP. HCM: 'Doanh nghiệp thực phẩm thiếu vốn khi phục hồi kinh doanh'

Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm năm 2021 tại TP. HCM.

Triển lãm quy tụ gần 85 doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm với 716 mặt hàng, 4.700 sản phẩm tham gia trưng bày.

Theo đại diện ITPC, việc lựa chọn ngành lương thực - thực phẩm để mở đầu cho chuỗi hoạt động triển lãm được tổ chức trong điều kiện bình thường mới, là do TP. HCM xác định đây là một trong bốn ngành trọng điểm, chiếm 13,78% giá trị sản xuất và đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp của thành phố.

Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm có thương hiệu, uy tín của Việt Nam đều chủ yếu tập trung tại TP. HCM và số lượng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cũng tăng trưởng khá nhanh, bình quân 13,7%/năm trong 5 năm qua.

Sau những tác động nặng nề của dịch Covid-19 làm gián đoạn, nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất lương thực - thực phẩm tăng 20%-50%, đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất. Nhiều đơn hàng bị hủy hoặc nhà mua hàng chuyển qua đặt hàng ở quốc gia khác dẫn đến tắc cả đầu vào lẫn đầu ra, cộng đồng doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp lương thực- thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA, thuận lợi của các doanh nghiệp ngành lương thực - thực phẩm khi tái sản xuất, phục hồi kinh doanh sau dịch Covid-19 là nắm giữ lợi thế của ngành sản xuất hàng hóa thiết yếu nên đảm bảo được lực lượng lao động đủ đáp ứng quay lại sản xuất ngay và nhanh nhất.

Tuy nhiên, thời gian tới, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn, nhất là nguồn vốn sản xuất.

Theo bà Chi, nguồn vốn dự trữ của doanh nghiệp trước đó đã phải trưng dụng cho các chi phí phát sinh trong thời gian duy trì sản xuất, đảm bảo các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho TP. HCM trong thời điểm giãn cách nên rất cần vay ngân hàng. 

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc, lãi của khoản nợ, miễn giảm lãi, phí. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ về vốn, tín dụng còn thấp.

Rào cản lớn nhất để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay là không đủ điều kiện về tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn tín dụng bình thường của ngân hàng để vay vốn trong thời điểm thị trường, sản xuất khó khăn hiện nay.

Cụ thể, là muốn vay ngân hàng, doanh nghiệp cần tài sản thế chấp nhưng hầu hết các doanh nghiệp đã thế chấp tài sản và đã vay đụng trần định mức cho phép. 

Đề xuất giải pháp cụ thể, bà Lý Kim Chi phân tích, trường hợp đơn giản hơn là Ngân hàng Nhà nước cần có chủ trương cho phép nâng hạn mức cho vay theo mức định giá những tài sản thế chấp hiện hữu từ 70% như hiện nay lên 85% đối với những doanh nghiệp đang làm ăn có uy tín, có khả năng thu hồi vốn trong tương lai. Giải pháp này nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp.

Trước đó, khảo sát các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM cũng thông tin, đa số doanh nghiệp thành viên được khảo sát cho biết không sẵn sàng đầu tư mở rộng sản xuất mà chỉ duy trì năng lực sản xuất cũ, đồng thời tăng công suất thiết kế cho phép để bù vào thời gian “ngủ đông” vừa qua. Các doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ vốn để tái nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, tận dụng lợi thế thị trường từ các giải pháp kích cầu tiêu dùng mà TP. HCM và Bộ Công thương đang thực hiện.

Thế nhưng, việc tiếp cận vốn vay lưu động của doanh nghiệp không dễ. Theo đại diện Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. HCM, hiện công ty có nguồn vốn vay kích cầu với lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhưng chỉ có thể hỗ trợ vốn vay đầu tư mở rộng sản xuất, không thể cho vay theo hình thức vốn lưu động.

Tin mới lên