Tiêu điểm

TP. HCM đối mặt với nhiều khó khăn khi khôi phục hoạt động

(VNF) - Cơ sở giáo dục ngoài công lập không còn khả năng chi trả, hàng ngàn trường học trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, chợ đóng cửa thương nhân tản mác… TP. HCM cần nguồn kinh phí khá lớn để khôi phục hoạt động.

TP. HCM đối mặt với nhiều khó khăn khi khôi phục hoạt động

TP. HCM có 1.253 cơ sở giáo dục đang được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, cơ sở y tế (ảnh minh họa)

TP. HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục lớn trên cả nước. Nhưng nhiều hoạt động đang bị tổn thương do ảnh hưởng từ Covid- 19 và giai đoạn giãn cách dài thời gian qua.

Thông tin ghi nhận từ cuộc họp của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM giám sát trực tuyến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid- 19 vào ngày 21/9.

Theo đó, trong khi các cơ sở giáo dục công lập gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhà giáo, người lao động hợp đồng (các chức danh giáo viên, bảo vệ, phục vụ, bảo mẫu, nhân viên nấu ăn); thì các cơ sở giáo dục ngoài công lập phần lớn thuê mặt bằng để hoạt động nên đang đứng trước nguy cơ không có khả năng chi trả các khoản tiền thuê mặt bằng, điện, nước tại cơ sở; còn nhiều quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục ngoài công lập do không tham gia bảo hiểm xã hội nên chưa đủ điều kiện để nhận được hỗ trợ.

Riêng cơ sở vật chất, hiện nay có 1.253 cơ sở giáo dục đang trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, cơ sở y tế. TP. HCM cần dự phòng kinh phí để sau khi không sử dụng làm cơ sở y tế thì sửa chữa các cơ sở để mở cửa trường học trở lại.

Trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, có khoảng 2.500 cơ sở cần được hỗ trợ, và theo cơ quan quản lý cấp Sở, cần có giải pháp miễn giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – thể thao chịu tác động của dịch Covid-19.

Đối với ngành công thương, do ảnh hưởng của dịch bệnh, có 3 chợ đầu mối, cùng với 202 trong tổng số 234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động. Việc khôi phục lại hoạt động các chợ cũng không thể nhanh chóng khi nhiều vùng quận, huyện vẫn chưa "xanh".

Đến nay, tổng số tiền được phê duyệt để hỗ trợ cho thương nhân tại chợ truyền thống là gần 26 tỷ đồng và đã giải ngân được gần 17 tỷ đồng. Sở Công thương nhận thấy việc triển khai chính sách hỗ trợ cho các thương nhân kinh doanh tại chợ có một số khó khăn.

Cụ thể, việc chi hỗ trợ đa số thực hiện bằng hình thức chi trực tiếp; tuy nhiên, các địa phương đang giãn cách xã hội, giảm mật độ lưu thông trên đường, các thương nhân cư trú tại các địa phương khác nhau nên đi lại hạn chế, ảnh hưởng đến việc nhận hỗ trợ. Một số địa phương (quận 1, 5, 11, Bình Thạnh) đã chuyển giao kinh phí hỗ trợ về đơn vị quản lý chợ nhưng chưa liên hệ thương nhân để thực hiện chi trả.

Như vậy, khi thương nhân đuối sức trong kinh doanh, lại tản mác, thì việc khôi phục hoạt động thương mại vốn là thế mạnh của các chợ truyền thống không thể nhanh chóng và dễ dàng.

Về phía lực lượng lao động, TP. HCM bình quân có hơn 4,7 triệu lao động đang làm việc và hơn 280.000 doanh nghiệp cùng hơn 460.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Tính đến ngày 12/9, đã có 20.996 doanh nghiệp đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc (hơn 400.000 người lao động). Các doanh nghiệp đang đề nghị Bảo hiểm xã hội xác nhận để vay vốn trả lương cho 22.909 người lao động.

Doanh nghiệp đuối sức, người lao động cũng bỏ về quê số lượng không nhỏ. Do vậy, để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân công. Việc tuyển bổ sung, hay tuyển mới cũng phải tốn 1 khoảng thời gian và chi phí đáng kể.

Từ khoá: TP. HCM, Covid- 19, khôi phục,
Tin mới lên