Bất động sản

TP. HCM: Đưa rau củ quả lên sàn thương mại điện tử, mở hàng nghìn điểm bán bổ sung

(VNF) - Chiều nay (15/7), TP. HCM tổ chức hội nghị sơ kết sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

TP. HCM: Đưa rau củ quả lên sàn thương mại điện tử, mở hàng nghìn điểm bán bổ sung

Người dân xếp hàng chợ vào siêu thị mua thực phẩm (ảnh minh họa)

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết đã có 206.795 lượt người được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 310 tỷ đồng, đạt 35% trên tổng số 886 tỷ đồng trong gói an sinh hỗ trợ người dân thành phố gặp khó vì đại dịch Covid-19.

Đối với hoạt động của các doanh nghiệp, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, tiếp tục cho phép sản xuất đối với các doanh nghiệp khi đảm bảo các điều kiện. Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo thì ngừng hoạt động.

TP. HCM cho phép doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo một trong hai trường hợp. Một là doanh nghiệp phải đảm bảo phương châm 3 tại chỗ: Sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ. Hai là doanh nghiệp đảm bảo thực hiện phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm": Chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển công nhân tập trung từ nơi ở đến nơi sản xuất (ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung).

Hiện đã có 216 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, 205 doanh nghiệp đã hoạt động. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục thẩm tra điều kiện tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP.HCM cũng đã chuẩn bị sẵn diện tích để phục vụ làm nhà xưởng ăn, ngủ tại chỗ cho doanh nghiệp có nhu cầu, thậm chí có thể lập bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết.

Vấn đề đang được quan tâm là tình trạng khan hiếm hàng hóa. Theo Sở Công thương TP. HCM, trước khi thực hiện chỉ thị 16, người dân TP. HCM cần 7.000 tấn lương thực thực phẩm/ngày. Khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động thì việc cung ứng gặp khó khăn, sản lượng sụt giảm 50%.

Từ 1/7, TP. HCM huy động thêm các kênh khác như doanh nghiệp logistics, thương mại. So với lượng hàng trước khi thực hiện chỉ thị 16 vẫn có sự thiếu hụt nhất định do khó khăn về luân chuyển, giao thông, chi phí gia tăng, tâm lý do các tin đồn lan truyền tác động lên người dân...

Hôm qua (14/7) là ngày khó khăn khi người dân tập trung đông đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua, sau khi TP. HCM bác tin đồn thì số lượng này đã giảm. 

Hiện Sở Công thương đã phối hợp TP. Thủ Đức, huyện Hóc Môn nhằm tìm ra giải pháp khai thác các khu vực gần chợ đầu mối để làm các địa điểm trung chuyển hàng hóa. Đến nay đã đưa vào hoạt động được 3 ngày, tiếp nhận 100 tấn rau của quả ở các địa phương đổ về. Các thương lái ở chợ đầu mối tiếp tục kinh doanh thông qua giao hàng trực tuyến, giao hàng qua điện thoại để đưa hàng về TP. HCM.

Mạng lưới phân phối hiện có công ty bưu chính, giao hành nhanh, các doanh nghiệp logistics... hỗ trợ 1.000 điểm bán bổ sung.

Sở Công thương dự kiến mở lại chợ truyền thống đủ điều kiện phòng chống dịch. Sở này cũng đã làm việc với các đơn vị như Tiki, Lazada, Sendo để thống nhất bán rau của quả trên sàn thương mại điện tử, bằng chính kho hàng của họ và các đơn vị này đã đồng ý.

Từ 27/4 đến trưa 15/7, TP.HCM ghi nhận 19.405 ca mắc Covid-19,

Về năng lực cách ly, ngoài 14 khu cách ly tập trung F1, thành phố đã thành lập thêm 88 khu cách ly tập trung với công suất 10.000 giường và 55 khách sạn để cách ly F1.

Về năng lực điều trị, 3 ngày qua, thành phố đã đưa vào sử dụng 5 khối nhà chung cư tại Khu tái định cư phường An Khánh và một Trung tâm Hồi sức Covid-19 với công suất 1.000 giường. Thành phố đã chuẩn bị 39.240 giường điều trị tại 23 bệnh viện, đang điều trị 15.990 bệnh nhân.

Từ khoá: TP. HCM, Covid- 19,
Tin mới lên