Tiêu điểm

TP. HCM: giãn cách đến cuối tháng 9 nhưng sẽ có gói kích cầu phục hồi sản xuất

(VNF) - Chiều 13/9, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi chủ trì họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP. HCM, các diễn biến sau ngày 15/9 và các nội dung liên quan đến áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng Covid-19.

TP. HCM: giãn cách đến cuối tháng 9 nhưng sẽ có gói kích cầu phục hồi sản xuất

TP. HCM tiếp tục giãn cách theo chỉ thị 16 đến cuối tháng 9/2021

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, hiện TP. HCM có các quận huyện gồm Cần Giờ, Củ Chi, quận 7 đạt được cơ bản kiểm soát dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế, 5 địa phương khác cũng tiệm cận kết quả rất tốt. Dự kiến 15/9, thêm một số địa phương công bố kết quả tích cực.

Việc tiêm vắc xin đến nay đạt trên 6,5 triệu mũi một, và mũi hai trên 1,3 triệu (chưa kể hôm nay), đạt 19%. Bao phủ vắc xin là điều kiện quan trọng khôi phục lại cuộc sống mới, mở rộng hoạt động kinh tế sau này.

Nhưng so với các tiêu chí của Bộ Y tế, TP. HCM chưa đạt được đủ. Chính vì vậy, để đảm bảo kết quả tốt hơn, từng bước nới lỏng, hài hòa công cuộc chống dịch và mở cửa…TP. HCM quyết định tiếp tục giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 dự kiến đến cuối tháng 9.

Về những việc thời gian tới, ông Mãi thông tin, thành phố chuẩn bị kỷ kế hoạch phục hồi kinh tế từ tháng 9 trở đi, vừa phòng chống dịch vừa phục hồi kinh tế, đáp ứng các điều kiện và tình hình có dịch.

TP. HCM tiếp tục mở rộng thí điểm một số dịch vụ an toàn để phục vụ nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp, ví dụ sản xuất thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm; các dịch vụ giao hàng, vận tải, tài chính, ngân hàng, dịch vụ công ích…

Ông Mãi cho biết thêm, dịch còn diễn biến dài, phải xác định tâm thế sống trong điều kiện có dịch. Việc sinh hoạt của người dân, dựa trên các bộ tiêu chí an toàn cho các lĩnh vực an toàn, hoạt động an toàn, như: người an toàn, hoạt động an toàn và một trong những thành phần của bộ tiêu chí là thẻ xanh Covid-19.

TP. HCM  dựa theo tiêu chí an toàn để mở hoạt động có sự di chuyển qua lại.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, hiện nay, TP. HCM đang tập hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp để một phần đề xuất với Trung ương về thuế, phí, tín dụng, lãi suất, bảo hiểm.

TP. HCM sẽ tung ra gói kích cầu phục hồi sản xuất. Việc hỗ trợ thuê mướn mặt bằng, thuê lao động, đào tạo lại lao động… TP. HCM xác định, sức mạnh của doanh nghiệp cũng là sức mạnh của thành phố, nên hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp là mục tiêu của TP. HCM trong giai đoạn phục hồi và phát triển.

Về thẻ xanh, theo Sở Y tế TP. HCM, có thẻ xanh thì cần phải 5K, cộng với xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bởi mỗi người vẫn có thể mang virus trong người, có thể lây bệnh cho người khác. Do đó, có thẻ xanh rồi vẫn phải 5K và xét nghiệm theo quy định.

Trước đó, lãnh đạo TP. HCM cho rằng có thể thành phố không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, mà chỉ có một số quận, huyện hoàn thành. Do đó, TP. HCM cần xin thêm một thời gian nữa, có thể tới hết tháng 9/2021.

Tại hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM mở rộng để cho ý kiến về kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố sau ngày 15/9, theo Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên, khó có thể quét sạch F0 trong một thời gian nhất định trên một địa bàn lớn có đặc điểm phức tạp như TP. HCM. Mặt khác, việc áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt cũng không thể kéo dài đến quá sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế. TP. HCM sẽ báo cáo Trung ương để xin ý kiến. 

TP. HCM xin thêm 2 tuần để kéo giảm số F0 đang cần điều trị và những người vừa tiêm vắc xin kịp tạo kháng thể. Cụ thể, số F0 đang quản lý ở bệnh viện và chăm sóc tại nhà trên dưới 100.000 người. Số lượng F0 sẽ giảm sau 2 tuần, thành phố có biện pháp ngăn chặn lây lan thì số ca nhiễm sẽ xuống mức thấp. Bên cạnh đó, 2 tuần là thời gian mà vắc xin phát huy hiệu lực cao nhất. 

Cũng theo lãnh đạo thành phố, bên cạnh kế hoạch phòng chống dịch, phục hồi kinh tế, an sinh xã hội… thì cần có thêm kế hoạch về xã hội. Bởi vì, sau đại dịch, vấn đề xã hội rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến người lao động, tình hình dân số, dân cư, nhà ở…

TP. HCM cần có giải pháp thu hút và giữ chân người lao động đã nghỉ việc về quê, trở lại TP. Trong đó, nên ưu tiên tiêm vắc xin, hỗ trợ an sinh, chỗ ở… cho người lao động; đề xuất Trung ương có chính sách miễn giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ đối với các chủ nhà trọ, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp; cần quan tâm tiêm vắc xin giúp người lao động đảm bảo sức khỏe và thuận tiện đi lại, tăng đối thoại để tháo gỡ các vướng mắc nhằm giữ chân các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Từ khoá: TP. HCM, Covid,
Tin mới lên