Tiêu điểm

TP. HCM kiến nghị cơ chế đặc biệt để thúc tiến độ dự án metro số 2

(VNF) - Ủy ban Nhân dân TP. HCM vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương cho thành phố được phép thực hiện chỉ định tổng thầu EPC di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án metro số 2.

TP. HCM kiến nghị cơ chế đặc biệt để thúc tiến độ dự án metro số 2

Ảnh minh họa

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương, Ủy ban Nhân dân TP. HCM vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương cho thành phố được phép thực hiện chỉ định tổng thầu EPC di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án metro số 2.

Theo Ủy ban Nhân dân TP. HCM, chỉ định tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) đối với công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ chủ trương chỉ định thầu một đơn vị làm tổng thầu.

Hiện nay, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị thành phố đang hoàn chỉnh lại phương án lựa chọn nhà thầu theo Điều 26 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 của Quốc hội để báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân TP. HCM kiến nghị Bộ Xây dựng sớm xem xét, có ý kiến đồng thuận như quan điểm nêu trên của Bộ Giao thông Vận tải.

Về công tác thiết kế nền tảng, hiện nay Ban Quản lý Đường sắt Đô thị thành phố (chủ đầu tư) đã có công văn gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về việc không cần thẩm tra bước thiết kế nền tảng ở giai đoạn này và sẽ thực hiện ở bước thiết kế kỹ thuật-thiết kế chi tiết khi triển khai các gói thầu thiết kế-thi công và tổng thầu EPC theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.

Trong khi đó, thiết kế cơ sở điều chỉnh của dự án đang được Sở Giao thông Vận tải thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức thẩm định.

Liên quan đến tiến độ dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh lên hơn 2 tỷ USD, lũy kế giải ngân từ đầu năm 2015 đến ngày 15/1 vừa qua vốn ODA đạt gần 108 tỷ đồng, vốn đối ứng đạt 8 tỷ đồng.

Trong công tác giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị thành phố đã bàn giao ranh điều chỉnh các nhà ga cho địa phương để triển khai lập phương án và tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Hiện Ủy ban Nhân dân các quận huyện đang tiến hành đo vẽ, lập phương án bồi thường.

Ban Quản lý Đường sắt Đô thị thành phố đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình, đã đổ bêtông sàn thứ năm tòa nhà văn phòng, các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương (gói thầu CP1). Các gói thầu còn lại của dự án đang trong giai đoạn sơ tuyển và lập hồ sơ mời thầu.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành-Tham Lương dài hơn 11km; trong đó đoạn đi ngầm dưới đường Cách Mạng Tháng Tám là 9,3km (độ sâu trung bình 18m), đi qua địa bàn quận 1, quận 3, quận 10, Tân Phú, Tân Bình và quận 12. Dự án đang được điều chỉnh thiết kế nền tảng, vốn đầu tư (tổng mức đầu tư được phê duyệt là gần 1,4 tỷ USD).

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua thiết kế ý tưởng của 9/9 nhà ga ngầm gồm S2 - Tao Đàn, S3 - Dân Chủ, S4 - Hòa Hưng, S5 - Lê Thị Riêng, S6 - Phạm Văn Hai, S7 - Bảy Hiền, S8 - Nguyễn Hồng Đào, S9 - Bà Quẹo và S10 - Phạm Văn Bạch.

Tin mới lên