Tiêu điểm

TP. HCM kiến nghị Quốc hội cho UBND TP. Thủ Đức thêm 1 ghế phó chủ tịch

(VNF) - Ngày 28/7, lãnh đạo UBND TP. HCM đã gửi tới đoàn giám sát của Quốc hội 5 kiến nghị cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, triển khai dự án đầu tư công, tài sản công và sắp xếp bộ máy hành chính.

TP. HCM kiến nghị Quốc hội cho UBND TP. Thủ Đức thêm 1 ghế phó chủ tịch

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại buổi làm việc

Thứ nhất, lãnh đạo TP. HCM kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Luật Đất đai sửa đổi, trong đó quan tâm đến việc điều chỉnh các quy định phù hợp về bồi thường, giải phóng mặt bằng, giúp tạo thuận lợi hơn cho công tác triển khai các dự án đầu tư công và đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất.

Thứ hai, kiến nghị đoàn giám sát Quốc hội có ý kiến đến cấp có thẩm quyền để xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ đối với việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giao thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, sử dụng tài sản công để thực hiện hoạt động phụ trợ, làm căn-tin và bãi giữ xe phục vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, khách đến giao dịch, công tác.

Đối với đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê khác (trừ căn-tin, bãi giữ xe), TP. HCM đề xuất cho chủ tịch UBND cấp huyện quyết định phê duyệt. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê của đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, TP. HCM đề xuất cho chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt đề án.

Thứ ba, kiến nghị điều chỉnh Luật Đầu tư công theo hướng cho phép các địa phương được chủ động bố trí ngân sách địa phương nguồn chi đầu tư phát triển để phân bổ cho các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm ngoài tổng mức vốn đã được Quốc hội thông qua trên cơ sở khả năng thu ngân sách thực tế. Nguồn kinh phí này sau khi đã đảm bảo nguồn chi cải cách tiền lương, không làm tăng mức bội chi ngân sách hằng năm và không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Với trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp, TP kiến nghị bổ sung vào Luật Đầu tư công nội dung về thành phần hồ sơ, nội dung báo cáo đề xuất dự án và nội dung thẩm định dự án đầu tư công trình khẩn cấp; kiến nghị điều chỉnh Luật Đầu tư công theo hướng cho phép quyết định chủ trương đầu tư các dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng độc lập với các dự án xây lắp.

Thứ tư, đối với sắp xếp tổ chức, bộ máy, TP. HCM cho biết, theo khoản 1 Điều 55 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, “Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá 3 phó chủ tịch” và khoản 3 Điều 1 Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ: “…Bình quân mỗi phòng có 2 phó trưởng phòng…”.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo TP. HCM, TP Thủ Đức đã được thành lập trên cơ sở 3 quận: quận Thủ Đức (12 phường), quận 2 (11 phường), quận 9 (13 phường), có tổng diện tích 211,56 km2, quy mô dân số 1.013.795 dân. Dự tính với tốc độ phát triển đô thị hiện nay, khu vực này sẽ nhanh chóng đạt quy mô 2 triệu dân.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước, yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Thủ Đức, TP. HCM đề xuất Quốc hội xem xét quy định đối với TP. Thủ Đức có không quá 4 phó chủ tịch UBND và giao Chính phủ quy định số lượng cấp phó cơ quan chuyên môn bình quân là 3 người.

Thay mặt tổ công tác của đoàn giám sát của Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết các kiến nghị cụ thể của TP. HCM nhằm xử lý những vướng mắc về quy định của pháp luật trong quá trình triển khai thực tế tại địa phương, trong đó có nhiều kiến nghị cụ thể, hợp lý, phù hợp với những yêu cầu đặt ra trên thực tiễn. Tổ công tác sẽ báo cáo cụ thể với đoàn giám sát của Quốc hội để tổng hợp chung, đề xuất thực hiện để góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách.

Năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên của TP. HCM đạt 367 tỷ đồng (kế hoạch là 215 tỷ đồng), năm 2021 đạt 418 tỷ đồng (kế hoạch là 206 tỷ). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 86,06% tổng kế hoạch vốn. Giai đoạn 2016- 2020, TP đang theo dõi 19 dự án ODA với tổng mức đầu tư khoảng 123.274 tỷ đồng (vốn ODA: 103.460 tỷ đồng; vốn đối ứng 19.813 tỷ đồng). Trong đó, tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 bố trí khoảng 30.480 tỷ đồng.
Tin mới lên