Bất động sản

TP. HCM kiến nghị trung ương sớm ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp

(VNF) - Chiều 12/10, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM đã có buổi làm việc với UBND thành phố cùng các sở, ngành về các giải pháp để kiểm soát dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. HCM trong thời gian tới.

TP. HCM kiến nghị trung ương sớm ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp

TP. HCM kiến nghị trung ương sớm ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP. HCM nêu 3 kiến nghị của TP. HCM đối với trung ương.

Đó là nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn tiến phức tạp trong giai đoạn sắp tới, thành phố kiến nghị bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở;

Kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút cho nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở; mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế; cơ chế chính sách cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19.

Kế đến kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP. HCM giai đoạn 2022 - 2025.

Cuối cùng, để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do tác động của đại dịch Covid-19, nhất là các địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Theo báo cáo của UBND TP. HCM, đến nay, hơn 97% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và 67% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 2. Số ca xuất viện đang dần tăng lên, số ca nhiễm mới và số ca tử vong có xu hướng giảm dần.

Tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp tác động mạnh đến mọi mặt đời sống của người dân và doanh nghiệp. Nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, đứt gãy, công nhân phải nghỉ việc, các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, hàng không chịu ảnh hưởng lớn. Về việc làm, hàng triệu người lao động bị mất việc, không có việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm nên ảnh hưởng đến thu nhập, đến sinh kế và đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

Hiện nay TP. HCM từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các chốt kiểm soát nội thành đã được tháo gỡ, từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, số doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở cửa trở lại có xu hướng tăng dần.

Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế, trong thời gian tới, TP. HCM tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19;

Đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, bình ổn thị trường, nắm bắt tình hình doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước; thúc đẩy các dự án đầu tư công, tư nhân, cải cách hành chính, chuyển đổi số, tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2021.

Tác động của đợt dịch lần thứ 4 cũng phản ánh rõ trong bức tranh kinh tế của TP. HCM. Tốc độ GRDP 6 tháng đầu năm tăng 5,66% so với cùng kỳ; tuy nhiên đến quý III, khi thực hiện triệt để giãn cách xã hội, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh, giảm 24,39% so với cùng kỳ. Do những khó khăn trên, GRDP 9 tháng đầu năm 2021 giảm 4,98% so với cùng kỳ, dự báo cả năm 2021 giảm 5,06% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%).

Tin mới lên