Thị trường

TP. HCM: Nóng doanh nghiệp 500 ngàn tỷ, bà Nguyễn Phương Hằng bị kiện, thành lập công ty Một Mình Tao

(VNF) - Đang trong giai đoạn thực hiện chỉ thị 15, 16 để phòng dịch Covid-19, tại TP. HCM tuần qua, có 3 chuyện khiến dư luận chú ý là việc thành lập doanh nghiệp với vốn lên đến hơn 500.000 tỷ đồng, bà chủ công ty này kiện bà chủ công ty khác đòi bồi thường cả ngàn tỷ, và thành lập công ty mới lấy tên “Một mình tao”.

TP. HCM: Nóng doanh nghiệp 500 ngàn tỷ, bà Nguyễn Phương Hằng bị kiện, thành lập công ty Một Mình Tao

Bà Hằng gần đây nổi đình đám qua các vụ Livestream đạt kỷ lục người xem (ảnh minh họa)

Doanh nghiệp siêu vốn 500.000 tỷ

Chuyện thứ nhất là thành lập doanh nghiệp có vốn đăng ký siêu khủng lên đến 22 tỷ USD. Tính hiện thực của việc anh chàng 8X đứng tên lập doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng tại TP. HCM, tham gia sở hữu 17 công ty, cùng 20 nhân sự và có doanh thu hàng trăm triệu USD/tháng cho đến nay đã gần như sáng tỏ với các thông tin do truyền thông vén màn.

Cụ thể, địa chỉ đăng ký kinh doanh của công ty 22 tỷ USD chỉ là nhà cấp 4 tại phường Phước Bình, TP. Thủ Đức, (đây cũng là trụ sở công ty bán thực phẩm chức năng, túi xách, giày dép qua mạng). Địa chỉ văn phòng tuy nằm ở tòa nhà Bitexco Financial Tower và Landmark 81, nhưng đều là thuê dịch vụ văn phòng ảo của Compass Offices, nơi cung cấp giá thuê văn phòng ảo khoảng 1.200.000 đồng/tháng, bao gồm các dịch vụ như cung cấp địa chỉ đăng ký kinh doanh, hòm thư, tổng đài chăm sóc khách hàng...

Còn khả năng huy động vốn "siêu khủng" cũng được các chuyên gia phân tích rõ, nếu huy động vốn từ nhà đầu tư trong nước mà không có tên tuổi, danh tiếng, thương hiệu thì vài tỷ đồng cũng không dễ; còn huy động từ nhà đầu tư nước ngoài cũng không thể từ số 0, chưa kể thủ tục đăng ký đầu tư nước ngoài, dòng ngoại hối ra vào cũng không đơn giản.

Thực hư thế nào, thì cơ quan quản lý nhà nước hiện chỉ có thể theo dõi và giám sát trong thời hạn 90 ngày (kể từ 20/5), bởi thời điểm nộp hồ sơ, doanh nghiệp đáp ứng đủ các quy định, trình tự, thủ tục nên cơ quan quản lý vẫn cấp giấy phép thành lập.

 Doanh nghiệp kiện doanh nghiệp đòi bồi thường 1.000 tỷ

Chuyện thứ hai là bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây kiện bà Nguyễn Phương Hằng, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đại Nam bồi thường thiệt hại 1.000 tỷ đồng.

Kiện tụng không liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán kinh doanh. Mà bà Giàu kiện vì cho rằng bà Phương Hằng đã xúc phạm danh dự, uy tín, có liên quan đến 1 vị sư ở chùa, thùng tiền công đức của chùa (do bà Giàu quản lý), xúc phạm uy tín thương hiệu … Và bà Giàu yêu cầu bồi thường thiệt hại 1.000 tỷ đồng.
Câu chuyện này được chú ý vì cả 2 nữ doanh nhân này khá nổi tiếng. Bà Nguyễn Phương Hằng hiện là Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam, vợ đại gia Dũng “lò vôi”. Bà Hằng gần đây nổi đình đám qua các vụ Livestream đạt kỷ lục người xem trong cộng đồng mạng Việt Nam.

Tài sản bà Hằng là các thể hiện ở lượng kim cương không đếm xuể, sổ đỏ hàng tệp (trong một buổi livestream, ông Dũng "lò vôi" đã xuất hiện với 2 tập sổ đỏ dày cộp, 1 tập có 127 sổ và tập còn lại là 255 sổ, mỗi sổ là một lô đất), Khu du lịch Đại Nam có diện tích rộng khoảng 450ha với nhiều hạng mục dự án khổng lồ như: Trường đua, khách sạn, vườn thú, biển nhân tạo, kim điện dát vàng tráng lệ...
Bà Lê Thị Giàu là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây (Bình Tây food), đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP. HCM. Công ty này có lịch sử 60 năm trên thị trường với nhiều sản phẩm truyền thống và đồ chay nổi tiếng như Mì chay Lá Bồ Đề, Mì Bình Tây hai tôm, mì kiwi, nước tương, bánh hỏi...Ngoài ra bà Giàu còn tham gia 1 số hoạt động kinh doanh khác.

Mở công ty Một mình tao

Chuyện thứ ba là Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM tiếp nhận (và đang xem xét) một hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới với tên gọi Công ty TNHH Một Mình Tao. (Tên này được cho là theo trend xuất phát từ buổi livestream tối 25/5 của 1 nữ doanh nhân).

Theo các luật sư thì Luật doanh nghiệp không quy định việc các cá nhân, tổ chức phải đặt tên công ty, doanh nghiệp của họ ra sao nên đặt tên như trường hợp trên là không bị cấm. Luật doanh nghiệp 2020 cũng có những quy định "Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp" ở điều 38 và 42. Dùng cụm từ “một mình tao” để đi đăng ký, ngoài việc không thể hiện tính lịch sự, chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử kinh doanh thì chẳng có gì sai.

Chưa đi sâu vào vấn đề họ làm thế để làm gì, liệu được- mất thế nào… mà điều đầu tiên cần ghi nhận, là họ đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng dư luận.

Tin mới lên