Bất động sản

TP. HCM sẽ hình thành cơ chế chính sách đặc thù

(VNF) - Hôm nay (14/10), phiên trù bị Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra tại TP. HCM. Theo thông tin từ Thành ủy TP. HCM, Đại hội Đảng bộ TP. HCM lần thứ XI sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới, vị thế mới của Đảng bộ và Nhân dân TP. HCM.

TP. HCM sẽ hình thành cơ chế chính sách đặc thù

Bí Thư Thành ủy TP. HCM- ông Nguyễn Thiện Nhân (ảnh: trung tâm báo chí TP. HCM)

5 năm vừa qua, TP. HCM có bước phát triển, giữ vững vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Năng suất lao động thành phố gấp 2,6 lần cả nước, đóng góp GDP cả nước trên 22%, thu ngân sách giữ vững vị trí là nơi đóng góp lớn nhất cả nước với 26%. Do đó, giữ được vị thế này sẽ góp phần tạo động lực cho giai đoạn mới.

Theo Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân, tháng 10/2020, trên cơ sở sự chuẩn bị tích cực của thành phố trong 2 năm qua, Chính phủ đã góp ý cho thành phố việc xây dựng Đề án Chính quyền đô thị thành phố. Theo đó, ở các quận, phường sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân. Nếu được Quốc hội thông qua, thành phố sẽ có cơ chế quản lý đô thị mới phù hợp với Luật pháp mới được thông qua.

TP. HCM có nhiều yếu tố làm cực tăng trưởng mới cho thành phố. Có thể kể đến 4 đề án quan trọng: Khu đô thi sáng tạo tương tác cao- thành phố Thủ Đức; đề án về phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP. HCM; đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP. HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030; và đề án chính quyền đô thị nhằm xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9, Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới rộng 211 km2, dân số hơn một triệu người, nơi đây có nhiều tiềm năng phát triển thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, như: Khu công nghệ cao (giai đoạn 2010-2020 thu hút hơn 7 tỷ USD đầu tư và xuất khẩu 77 tỷ USD); cụm đại học phía Đông thành phố (hơn 100.000 sinh viên, 2.000 giảng viên trình độ tiến sĩ); đường vành đai 3; Metro Số 1, Khu đô thị mới Thủ Thiêm – được quy hoạch là trung tâm tài chính tương lai; cảng container Cát Lái lớn nhất nước...

Thành phố mới dự kiến đóng góp khoảng 30% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP. HCM và chiếm khoảng 7% GDP (tổng sản phẩm nội địa) của cả nước. Nơi đây còn là "hạt nhân" thúc đẩy kinh tế TP. HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Đề án về phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP. HCM", nếu được Chính phủ chấp thuận thông qua sẽ là một tiền đề rất quan trọng thu hút các nguồn lực quốc tế, phục vụ nhu cầu phát triển đất nước và thành phố. Theo UBND TP. HCM, thành phố là đầu tàu kinh tế cả nước khi đóng góp hơn 22% GDP (tổng sản phẩm nội địa), chiếm gần 27% ngân sách quốc gia, thu hút gần 34% dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) cả nước.

Ngoài ra, hạ tầng thành phố có tiềm năng xây dựng trung tâm tài chính quy mô quốc tế khi đang có 2.138 đơn vị thuộc ngân hàng, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Tổng huy động vốn tại TP. HCM chiếm 24% cả nước và tổng dư nợ cho vay ở địa phương chiếm hơn 28% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. TP. HCM cũng là nơi ra đời thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổng giá trị vốn hóa tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) hiện chiếm 95% thị trường và hơn 54% GDP cả nước năm 2019. Quy mô vốn hóa của các công ty niêm yết trên HOSE lên đến hơn 3,2 triệu tỷ đồng, gấp 17 lần so với sàn Hà Nội (HNX, khoảng 192.000 tỷ đồng).

TP. HCM cũng đã tập trung xây dựng đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP. HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030” để tăng thu ngân sách nộp về Trung ương và tăng thu ngân sách để lại cho thành phố, tạo tiền đề để thành phố phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, TP. HCM đề xuất tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại từ 18% (giai đoạn 2017 - 2020) tăng lên 24% ở giai đoạn 2021 - 2025 và 28% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Việc này, theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong để bảo đảm thành phố có điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế và đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Hiện, tỷ lệ điều tiết ngân sách của TP. HCM là 18%, thấp hơn so với Hà Nội (35%), Đà Nẵng (68%), Bình Dương (36%)... Trong khi đó, TP. HCM lại là địa phương bị giao chỉ tiêu thu ngân sách lớn nhất nước. Năm 2019 thành phố phải thu gần 400.000 tỷ đồng - gấp 1,1 lần tổng dự toán thu ngân sách của 4 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ (365.900 tỷ đồng).

Tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và TP. HCM giảm mạnh từ mức 33% giai đoạn 2000 - 2003, xuống 23% giai đoạn 2011-2016 và giai đoạn 2017 - 2020 chỉ còn 18%. Điều này khiến thành phố thiếu nguồn lực để giải quyết các thách thức và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Theo ông Nhân, nếu thành phố được giữ lại ngân sách tỷ lệ 24% (2021 - 2025) và 28% (2026 - 2030), trong 10 năm tới phần nộp về Trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỷ (tương đương 14,8 tỷ USD); ngân sách thành phố cũng có thêm khoảng 390.000 tỷ đồng.

Thứ tư là đề án chính quyền đô thị nhằm xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phù hợp với thực tế một đô thị lớn nhất nước. TP. HCM đề xuất bộ máy chính quyền có HĐND và UBND tổ chức 2 cấp (quy định hiện hành là 3 cấp) gồm cấp thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở (xã, thị trấn); không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Đề án này được TP. HCM ấp ủ từ năm 2007, điều chỉnh và bổ sung năm 2013, nhưng thời điểm đó chưa đủ cơ sở pháp lý thực hiện.

Đến nay, Nghị quyết về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội và Đà Nẵng được Quốc hội thông qua; bên cạnh đó Hiến pháp năm 2013, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020; Nghị quyết của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tạo nền tảng pháp lý để TP. HCM triển khai mô hình chính quyền đô thị.

Trước đó, TP. HCM có 7 năm (2009-2016) thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Quá trình thực hiện cho thấy bộ máy nhà nước tinh gọn, tiết kiệm ngân sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thực hiện tốt... "Từ kết quả của thí điểm, có thể đúc kết hiệu quả hoạt động bộ máy chính quyền không phụ thuộc nhiều vào việc tổ chức HĐND ở cấp quận, phường", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nói khi làm việc với Bộ Nội vụ hôm 20/9.

Theo Bí thư Thành ủy TP. HCM, trong 5 – 10 năm tới thành phố chuyển sang một giai đoạn phát triển mới và sẽ hình thành cơ chế chính sách đặc thù giúp thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, phù hợp với đặc điểm của thành phố.

TP. HCM cũng đã khởi động 3 chương trình đột phá cho thành phố. Đó là Chương trình đột phá đổi mới quản lý TP. HCM; Chương trình đột phá hạ tầng TP. HCM; Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa. Cùng với 3 chương trình đột phá là Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực thành phố. Có 51 đề án để thực hiện 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm này. 

Tin mới lên