Bất động sản

TP. HCM tăng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng cho 16 dự án trễ hạn

(VNF) - Ngày 8/7, tại kỳ họp thứ 6, HĐND TP. HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua nghị quyết về điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, chủ đầu tư, quy mô, thời gian thực hiện đối với 16 dự án cầu đường, trường học, bến xe, hạ tầng kỹ thuật...

TP. HCM tăng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng cho 16 dự án trễ hạn

TP. HCM tăng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng cho 16 dự án trễ hạn (ảnh minh họa)

Trong số đó, nhiều dự án tăng tổng mức đầu tư gấp đôi, gấp ba, gấp tư so với tổng mức đầu tư ban đầu. Tổng mức đầu tư cho 16 dự án được điều chỉnh tăng lên hơn 6.000 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án xây dựng cầu Tăng Long (TP. Thủ Đức) điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ hơn 450 tỷ đồng lên hơn 688 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2017-2019 thành 2016-2024. Việc tăng tổng mức đầu tư do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng dẫn đến tổng mức đầu tư dự án vượt tổng mức đầu tư được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt trước đó. Dự án được kéo dài để sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Dự án xây dựng cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP. Thủ Đức) tăng tổng mức đầu tư từ hơn 425 tỷ đồng lên hơn 763 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án chuyển từ giai đoạn 2016-2018 thành 2016-2025. Theo UBND TP. HCM, dự án này có tổng mức đầu tư tăng do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (hệ thống cáp, điện, truyền dẫn nước). Việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án nhằm bố trí sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Dự án xây dựng cầu Phước Long (quận 7, huyện Nhà Bè) tăng tổng vốn đầu tư từ hơn 397 tỷ đồng lên 748 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án thay đổi từ 2016-2019 lên thành 2016-2025. Cây cầu này cũng được điều chỉnh quy mô từ 380m x 10,5m thành 359,4m x 10,5m.

Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (TP. Thủ Đức) tăng vốn đầu tư từ hơn 1.998 tỷ đồng lên hơn 3.600 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án thay đổi từ giai đoạn 2016-2021 thành 2015-2025. Dự án được kiến nghị chia làm 2 dự án thành phần gồm công tác đầu tư xây dựng và bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Dự án mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (từ quận Bình Thạnh đến công viên Văn Hóa, quận Gò Vấp) tăng tổng mức đầu tư từ hơn 667 tỷ đồng lên hơn 2.300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án thay đổi từ giai đoạn 2019-2021 thành 2019-2025; thay đổi quy mô cho dự án này từ 2.400m x 40m thành 2.455m x 32m. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án này cũng xuất phát từ những vấn đề trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và nguồn vốn.

Dự án cải tạo đường Cộng Hòa (từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, quận Tân Bình) tăng tổng vốn đầu tư từ gần 143 tỷ đồng lên gần 168 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án thay đổi từ giai đoạn 2016-2028 thành 2016-2023.

Dự án xây dựng kênh Hàng Bàng từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng (quận 5, quận 6) tăng vốn từ 188 tỷ đồng lên gần 800 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đổi từ 2016-2019 thành 2016-2025.

Dự án xây dựng đường vành đai Đầm Sen (quận 11) điều chỉnh tăng vốn đầu tư từ hơn 161 tỷ đồng lên hơn 263 tỷ đồng. Thay vì thực hiện trong giai đoạn 2016-2018, dự án sẽ được hoàn thành trong giai đoạn 2016-2024.

Ngoài các công trình hạ tầng giao thông trên, nghị quyết của HĐND TP. HCM cũng điều chỉnh chủ trương đầu tư với các dự án: cải tạo, mở rộng bệnh viện quận 8; xây dựng trung tâm y tế quận 8; xây dựng trường mầm non Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh); xây dựng trường THCS Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh); xây dựng trường tiểu học Tân Kiên (huyện Bình Chánh); di dời dân cư, tránh thiên tai xã Thạnh An (huyện Cần Giờ); hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh); xây dựng bến xe buýt huyện Củ Chi.

Tin mới lên