Tài chính

TP HCM: Thu ngân sách từ bất động sản, chứng khoán, ngân hàng tăng mạnh

(VNF) - Theo Cục Thống kê TP. HCM, cả năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn TP. HCM (GRDP) ước đạt xấp xỉ 1,299 triệu tỷ đồng, giảm 6,78% so với cùng kỳ năm trước.

TP HCM: Thu ngân sách từ bất động sản, chứng khoán, ngân hàng tăng mạnh

Đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm dự kiến mang lại cho ngân sách TP. HCM 37.346 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố ước đạt 1.298.791 tỉ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010 đạt 924.367 tỷ đồng, giảm 6,78% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là mức giảm sâu nhất trong lịch sử.

Dưới tác động của đại dịch, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của thành phố lần đầu tiên giảm sâu hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước và các địa phương. 

Cộng đồng doanh nghiệp không ngừng gặp nhiều cản trở, khó khăn thậm chí phải giải thể, phá sản, hoạt động cầm chừng đẫn đến nguy cơ tiềm tàng mất thanh khoản, nợ xấu gia tăng…

Dù kinh tế khó khăn nhưng tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2021 trên địa bàn TP. HCM ước thực hiện 383.703 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ. 

Trong đó, thu nội địa 253.281 tỷ đồng, vượt 2% dự toán; thu từ dầu thô 14.00 tỷ đồng, vượt 63,7% dự toán, tăng 26%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 116.400 tỷ đồng, vượt 7,8% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương (chưa tính tạm ứng) năm 2021 ước thực hiện 106.260 tỷ đồng, vượt 9,5% dự toán và giảm 16,4% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 27.807 tỷ đồng, giảm 16,8%; chi thường xuyên đạt 73.140 tỷ đồng, tăng 80,4% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, nguồn thu ngân sách tăng chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, chứng khoán.

Đồng thời, tác động từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP góp phần làm tăng tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2021.

Để khôi phục kinh tế và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trong năm 2022, TP. HCM sẽ thực hiện các chính sách giảm, giãn thuế; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để duy trì hoạt động của doanh nghiệp nhằm tạo việc làm và thu nhập tối thiểu cho người lao động. 

Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…

Tin mới lên