Thị trường

TP. HCM thu phí cảng biển, doanh nghiệp nói chưa hợp lý

(VNF) - Văn phòng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản về việc TP. HCM chuẩn bị cho thu phí hạ tầng cảng biển kể từ đầu tháng 4/2022 là không hợp lý.

TP. HCM thu phí cảng biển, doanh nghiệp nói chưa hợp lý

Theo doanh nghiệp, việc TP. HCM chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/4 là thời điểm không hợp lý (ảnh minh họa)

Theo các doanh nghiệp, từ đầu năm 2021 - tháng 10/2021, hầu hết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản vừa phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19, vừa phải lo trả tiền lương cho công nhân.

Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn và chưa thực sự hồi phục.

VASEP cũng tiến hành khảo sát, trong đợt dịch bệnh năm 2021, công suất chung của các doanh nghiệp tỉnh thành phía Nam đã giảm từ 60-70%. Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh có số lượng doanh nghiệp thủy sản ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm ngừng sản xuất nhiều nhất để tổ chức lại thực hiện “3 tại chỗ”. Cho tới tháng 10/2021, nhiều địa phương thực hiện tiêm phủ vắc xin thần tốc thì doanh nghiệp cũng chỉ có thể hoạt động tối đa 60%.

Năm 2022 được dự đoán tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Tình hình quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp, với những biến động khó lường. 

Giữa bối cảnh khi doanh nghiệp còn chưa vực dậy sau điêu đứng của dịch bệnh và Chính phủ, các Bộ ngành đang nỗ lực phục hồi kinh tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng các quyết sách linh hoạt thì việc TP. HCM chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển từ 1/4 là thời điểm không hợp lý và tạo nên tình trạng “phí chồng phí.”

Hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của TP. HCM. Trong khi đó, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung.

Nếu tính chi phí tăng thêm cho một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình là 3 - 3,5 tỷ đồng/năm; với doanh nghiệp lớn hơn khoảng 13,5 - 14 tỷ đồng/năm.

Hơn nữa, theo nhiều doanh nghiệp thủy sản, một điều vô lý nữa là đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP. HCM (doanh nghiệp ở tỉnh) thì bị thu mức phí cao gấp đôi đối với doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại TP. HCM.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã tính tới việc vận chuyển container (cont) hàng tới cảng Cái Mép thay vì cảng TP. HCM nhưng chi phí sẽ tăng thêm từ 3 - 3,5 triệu đồng/cont. Điều này làm doanh nghiệp ngoài TP.HCM buộc phải chuyển mở tờ khai hải quan ở tỉnh về TP. HCM gây quá tải, có thể dẫn tới ách tắc việc khai báo, chậm tiến độ thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Hiện kho ngoại quan đang trữ nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu phục vụ gia công xuất khẩu với phí sử dụng hạ tầng cảng biển rất cao là 2.200.000 đồng/cont đối với container 20ft; 4.400.000 đồng/cont đối với container 40ft.

Trong khi hàng về kho ngoại quan chủ yếu là container 40 ft. Do vậy, theo các doanh nghiệp, TP.HCM cần thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển một cách công bằng và nên áp dụng chung một mức thu 250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là hợp lý.

Tin mới lên