Tiêu điểm

TP. HCM tiếp tục được thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù

(VNF) - Ngày 2/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TP. HCM tiếp tục được thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù

TP. HCM tiếp tục được thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù.

Tại cuộc họp, Bộ Chính trị đánh giá sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW, TP. HCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cụ thể, quy mô kinh tế của TP. HCM năm 2020 tăng gấp 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010. Kinh tế TP. HCM tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao; thu ngân sách nhà nước hằng năm trên địa bàn vượt kế hoạch.

Cùng với đó, các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên...

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ Chính trị đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém, như chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển của TP. HCM, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với giai đoạn trước; năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp; môi trường đầu tư chậm cải thiện, liên kết vùng chưa đạt kết quả thực chất, vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước giảm sút; chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người không đạt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp

Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM.

Theo đó, đến năm 2030, TP. HCM là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế sâu rộng; đến năm 2045, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, có chất lượng cuộc sống cao; là đô thị phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.

Bộ Chính trị yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. HCM tiếp tục phát phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế; tăng cường liên kết phát triển vùng; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm hạ tầng đi trước một bước. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch.

Phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để Thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; xây dựng con người thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bảo đảm quốc phòng an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng yêu cầu TP. HCM hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về thành phố, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Trước đó, Nghị quyết 54 của Quốc hội trao một số quyền cho TP. HCM với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ tháng 1/2018 đến hết năm 2022.

Một trong những nội dung TP. HCM đã phát huy tốt các cơ chế, chính sách đặc thù là chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Chính sách này được cho phù hợp với năng suất thực tế của người lao động thành phố - gấp 2,7 lần bình quân chung cả nước. Tuy vậy, đến nay TP. HCM mới chỉ tăng từ 0,6 - 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của cán bộ, công chức chứ chưa đạt được mức 1,8 lần như trong Nghị quyết 54.

Cùng với tạo động lực cho cán bộ, cơ chế ủy quyền từ thành phố cho cấp huyện được cho đã giúp rút ngắn thời gian của một số loại thủ tục hành chính. Nghị quyết 54 trao quyền cho HĐND TP. HCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên, giúp rút gọn quy trình, tiết kiệm thời gian thay vì phải mất khoảng 6 tháng để chờ ý kiến Thủ tướng như trước.

Kết quả, đến nay HĐND TP. HCM đã thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843ha. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị, bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa được chuẩn bị tốt, 31/32 dự án chưa hoàn thành tiến độ, dự án còn lại đã bị hủy bỏ danh mục thu hồi.

Bên cạnh đó, TP. HCM cũng huy động được gần 14.200 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2022 thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và vay lại từ nguồn chính phủ vay nước ngoài để đầu tư cơ sở hạ tầng. Phí hạ tầng cảng biển được triển khai từ đầu tháng 4/2022 đến nay giúp TP. HCM thu được hơn 1.400 tỷ đồng bổ sung vào ngân sách.

Bên cạnh một số kết quả khả quan, hầu hết các cơ chế chính sách đặc thù còn lại về quản lý tài chính trong Nghị quyết 54 nhằm tăng nguồn thu TP. HCM đều chưa tận dụng được.

Tin mới lên