Thị trường

TP. HCM tính thu giá thoát nước

Sở Xây dựng TP. HCM vừa có tờ trình chính thức gửi UBND thành phố về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2024.

TP. HCM tính thu giá thoát nước

TP. HCM tính thu giá thoát nước.

Thêm giá thoát nước, vẫn giữ phí môi trường

Hiện nay, bên cạnh giá sử dụng nước sạch, người dân TP. HCM đang phải đóng thêm 10% phí môi trường cho mỗi mét khối nước sạch. Cách đây vài năm, thành phố cũng tính chuyện thu phí thoát nước sinh hoạt, bỏ phí bảo vệ môi trường nhưng nếu tính theo từng mét khối thì số tiền người dân sẽ phải đóng khá cao, nên đề xuất chưa được thông qua.

Trong tờ trình mới này, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Trung tâm hạ tầng - Sở Xây dựng TP. HCM) đã đưa ra 3 phương án đề xuất tính toán dựa theo hiện trạng hệ thống và nhu cầu thực tế (theo lưu lượng nước cấp).

TP. HCM đang xây dựng phương án thu giá thoát nước giai đoạn 2020 - 2024. Ảnh: Ngọc Dương

Phương án 1: tăng 3%/năm - lấy giá nước sạch năm 2019, mức thu phí môi trường 10%. Từ năm 2020 - 2024, mức thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tính thêm 3% mỗi năm.

Phương án 2: tăng trung bình 5%/năm. Từ năm 2020 - 2024, mức thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tính thêm 5% mỗi năm.

Phương án 3: phương án tăng cao - năm 2020 giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sẽ thu bằng 20% giá nước sạch, giai đoạn từ 2021 - 2024, mức thu phí tính thêm 5% mỗi năm.

Nên phân loại đối tượng sử dụng nước sinh hoạt để điều chỉnh tỷ lệ phí môi trường cho phù hợp. Đơn cử, những hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, gara ô tô… yêu cầu xử lý nước thải nhiều hơn thì phải đóng phí cao hơn các hộ dân bình thường

Dẫn ý kiến tham vấn cộng đồng do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, Sở Xây dựng cho biết việc thu giá thoát nước theo 3 phương án trên có mức độ tác động và ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, đặc biệt là nhóm các hộ nghèo từ 0,051% (năm 2020) đến 0,197% (năm 2024), ở mức “có thể chấp nhận được”.

Lộ trình mức thu giá nước dự kiến không ảnh hưởng nhiều đến khả năng đời sống của đại bộ phận nhân dân thành phố. Trong đó, phương án mà đơn vị này đề xuất lựa chọn là phương án 2 được nhận định khả thi, đảm bảo không đột biến gây tác động xã hội đáng kể và không ảnh hưởng đột biến nguồn chi ngân sách trong suốt lộ trình.

Về hình thức thu, các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn sẽ đóng tiền dịch vụ thoát nước thông qua hóa đơn tiền nước. Đối với các hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung (đào giếng, khai thác nước ngầm - PV) Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án thu tiền dịch vụ cho các đối tượng này. Sở Xây dựng đồng nhất ý kiến của Trung tâm hạ tầng là giữ lại 1% trên tổng mức thu hằng năm cho đơn vị thu hộ.

Gây ô nhiễm thì phải trả phí

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, lộ trình đề xuất thu giá thoát nước căn bản tạo sự công bằng xã hội, người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm trong việc xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc thu giá đáp ứng chi phí cho hoạt động quản lý vận hành, duy tu, bảo trì hệ thống thoát nước, nước thải, bùn thải trong giai đoạn tiếp theo cũng là vấn đề hết sức cấp thiết để giảm mức bao cấp từ ngân sách TP, cũng như đảm bảo nguồn chi trả nợ vay từ các hoạt động đầu tư vào hệ thống nước thải bằng nguồn vốn ODA. Đồng thời, khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP).

TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), nhận định việc thu giá thoát nước là điều hoàn toàn nên làm. Cũng như các dịch vụ công khác, phải đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi, nếu ngân sách không đáp ứng được thì phải thu thêm. Như vậy chất lượng dịch vụ mới có thể phát triển.

Theo ông Phi, các nước phát triển gộp chung phí thoát nước vào 1 sắc thuế liên quan đến nước đầu vào, đầu ra bao gồm cả xử lý nước thải, môi trường... Quốc gia nào càng phát triển thì chi phí cho xử lý nước thải càng cao, trung bình từ 10%, sau đó nâng dần lên 30 - 50%, tỷ lệ thuận với chất lượng xử lý ô nhiễm, chất lượng cải thiện môi trường. Tại một số khu vực như Bắc Âu, người dân trả 1 đồng nước sạch thì phải đóng thêm 3 - 4 đồng tiền xử lý nước thải. Hiện nay, tại TP.HCM, mỗi hộ dân phải đóng thêm 10% phí bảo vệ môi trường, nhưng khoản tiền này thực chất không phải dành hết cho môi trường mà bị chia nhỏ thành từng khoản cho cả thoát nước, chống ngập... nên hiệu quả sử dụng không cao.

“Bằng chứng là thành phố chỉ có 1 nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, trong khi nhu cầu cần tới khoảng 10 nhà máy như vậy. Lâu nay, người dân khốn khổ vì tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông, kênh, rạch nhưng thành phố cũng “lực bất tòng tâm”, không có tiền để xử lý. Kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhưng nguồn thu quá ít nên không ai mặn mà. Nếu không huy động nguồn lực từ trong dân, thành phố không cách nào đủ sức giải quyết những bất cập này”, vị này phân tích.

Giá chồng phí, người dân chịu thiệt

Ở góc nhìn khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc huy động nguồn kinh phí từ trong dân để bù đắp thiếu hụt ngân sách cho các dự án công là đúng. Tuy nhiên phải cân nhắc tổng quan dựa trên sự hợp lý và vấn đề thu nhập của người dân.

Theo ông Sơn, hiện tất cả người dân sử dụng nước sinh hoạt đã phải đóng 10% phí môi trường cho mỗi mét khối nước. Nay thêm giá thoát nước, yêu cầu người dân có trách nhiệm trong việc xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường thì chẳng khác nào giá chồng phí. Người dân đã hoàn thành trách nhiệm của mình là đóng tiền xử lý nước rồi. Việc nhà nước cân đối sử dụng số tiền này như thế nào thì nhà nước phải có trách nhiệm. Không thể thấy thiếu, cần thêm thì lại “đẻ” ra thêm loại phí, giá mới bắt người dân đóng.

“Sở Xây dựng dẫn số liệu từ WB, cho rằng tác động của loại giá này là rất nhỏ đối với thu nhập của người dân thành phố hiện nay. Tuy nhiên, người dân đâu chỉ có đóng chi phí này. Lương trung bình chỉ vài ba triệu nhưng phải đóng đủ các loại thuế, phí, giá… Tính ra, số tiền còn lại có đủ để họ duy trì cuộc sống ổn định không? Ở Mỹ, người dân phải đóng thuế rất cao, nhưng chính phủ cũng phải giới hạn tổng các loại phí, thuế không quá 20% thu nhập người dân. Nếu cao hơn, họ sẽ được hoàn thuế. Trong khi tại Việt Nam, hàng trăm loại thuế, phí đổ lên đầu dân, khoản nào cũng kêu tác động không nhỏ nhưng gộp chung lại chiếm bao nhiêu phần thu nhập của họ thì không thấy có khảo sát”, ông Sơn đặt vấn đề.

Với quan điểm trên, KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất không nên thu thêm giá thoát nước. Thay vào đó, nên phân loại đối tượng sử dụng nước sinh hoạt để điều chỉnh tỷ lệ phí môi trường cho phù hợp. Đơn cử, những hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, gara ô tô… yêu cầu xử lý nước thải nhiều hơn thì phải đóng phí cao hơn các hộ dân bình thường. Số tiền chênh lệch từ khoản thu này cũng có thể bù đắp phần nào ngân sách TP, đồng thời tạo công bằng trong vấn đề sử dụng nước gây ô nhiễm môi trường, đúng nghĩa ai gây ô nhiễm nhiều hơn phải trả tiền nhiều hơn.

Cần công khai, minh bạch trong các khoản thu chi để người dân hiểu rõ họ đang đóng tiền cho việc gì. Đơn cử, công khai chi phí xử lý thoát nước là bao nhiêu, ngân sách thành phố hiện có chừng nào, tương lai cần bao nhiêu tiền để làm nhưng công việc gì, vì sao xây dựng mức tăng 5%/năm... Tất cả phải được công bố rõ ràng cho người dân giám sát.

Tin mới lên