Thị trường

TP. HCM vào cao điểm mua sắm Tết

(VNF) - Dù đã có dự báo sức mua có thể bị giảm so với năm ngoài do Covid- 19 nhưng các nhà kinh doanh vẫn nỗ lực tăng cường mặt hàng, tăng khuyến mãi, tăng giờ bán hàng… để kéo khách mua.

TP. HCM vào cao điểm mua sắm Tết

TP. HCM vào cao điểm mua sắm Tết

UBND TP. HCM vừa có chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá và thực hiện báo cáo giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Theo đó, Sở Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường; Sở Công Thương theo dõi cung cầu hàng hóa; Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm; Cục Quản lý thị trường kiểm soát hành vi sản xuất, kinh doanh…

Trước đó, ngày 22/1, Sở Công thương TP. HCM đã phối hợp với tỉnh Lâm Đồng về kế hoạch cung ứng các mặt hàng rau củ quả và hoa tươi cho thị trường TP. HCM trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Thời gian dự kiến thu hoạch rau, hoa để phục vụ cho cuối năm và dịp Tết Tân Sửu là từ ngày 24/1- 8/3. Về sức mua, theo dự báo của ngành công thương Lâm Đồng, đối với 2 mặt hàng rau củ quả và hoa tươi sẽ tăng từ 5%-20%, tùy chủng loại. Tùy vào nhu cầu thị trường, giá có thể tăng nhẹ hoặc giảm nhưng sẽ không có tình trạng tăng bất thường đối với các mặt hàng phục vụ nhu cầu tết. 

Sức mua chung trên thị trường TP. HCM đã và đang tăng khá cao. Người dân có xu hướng mua sắm hàng tết sớm hơn mọi năm. Ghi nhận từ hệ thống siêu thị lớn nhất cả nước của Liên hiệp HTX Thương mại TP. HCM  (Saigon Co.op), ngay tuần đầu tiên của tháng 1/2021, sức mua hàng hóa trong toàn hệ thống đã tăng tới 37% so với tuần trước đó. Doanh thu tăng trưởng cao ở khá nhiều ngành hàng thiết yếu từ thực phẩm tươi sống và chế biến, mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp đến hàng may mặc. Dự báo của hệ thống này thì sức mua trong tháng tết năm nay nhiều khả năng sẽ vượt con số 12%.

Ở hệ thống MM Mega Market Việt Nam, người dân mua sắm hàng tết sớm, đẩy doanh thu tăng trưởng sớm hơn so với các năm trước. Theo tính toán của đơn vị này, nếu chỉ tính riêng mảng bán lẻ thì doanh thu tại hệ thống này đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ, nếu cộng gộp cả mảng bán buôn thì mức tăng dao động từ 5%-6%.

Tại các trung tâm thương mại (TTTM) như Vincom Central Đồng Khởi, Takashimaya, Aeon Celadon Tân Phú, vào các ngày cuối tuần cũng bị quá tải bởi lượng khách hàng đổ về mua sắm, ăn uống và vui chơi tăng rất cao.  

Đáng chú ý, dự báo tết năm nay người dân sẽ ở lại TP. HCM để đón tết nhiều hơn, tạo ra các cơ hội tốt cho các cửa hàng bán lẻ.

Theo thông tin từ Sở Công Thương TP. HCM, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng hàng hóa cho 2 tháng Tết Tân Sửu là 19.679,7 tỷ đồng, tăng 652,4 tỷ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020.

Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỷ đồng. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22% - 54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm 7.488,2 tấn, trứng gia cầm 67,9 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn, thịt gia súc 5.594,4 tấn, dầu ăn 1.671,8 tấn, gạo 3.943,2 tấn...

Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỷ đồng.

Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng từ 2 - 3 lần so với tháng thường.

Tin mới lên