Bất động sản

TP. HCM: Xe ôm công nghệ hoạt động lại, được bán đồ ăn uống đến 22h

(VNF) - Đây là những quyết định mới đáng chú ý của TP. HCM.

TP. HCM: Xe ôm công nghệ hoạt động lại, được bán đồ ăn uống đến 22h

TP. HCM: Xe ôm công nghệ hoạt động lại, được bán đồ ăn uống đến 22h

Xe ôm công nghệ được hoạt động lại

Sở Giao thông Vận tải TP. HCM vừa có văn bản thông báo về việc tổ chức hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố (theo cấp độ dịch Covid-19 của TP. HCM là cấp độ 2), áp dụng từ ngày 17/11 đến khi có thông báo mới.

Hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh sử dụng công nghệ (xe ôm công nghệ) hoạt động hạn chế, trong khi xe ôm truyền thống vẫn tạm dừng hoạt động.

Cụ thể, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh sử dụng công nghệ (ứng dụng gọi xe hai bánh trên thiết bị di động) sẽ hoạt động hạn chế, trong đó không quá 50% số xe của từng đơn vị và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Người điều khiển phương tiện cần tuân thủ nguyên tắc 5K và đã tiêm ít nhất một liều vaccine sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.

Tài xế có quyền từ chối không vận chuyển đối với các trường hợp người sử dụng dịch vụ không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Hành khách sử dụng dịch vụ cần tuân thủ nguyên tắc 5K, khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đơn vị cung cấp dịch vụ cần cung cấp danh sách phương tiện và người điều khiển phương tiện đang quản lý, thông tin phương tiện và người điều khiển phương tiện dự kiến hoạt động đến Sở Giao thông Vận tải để cập nhật; lập và lưu trữ trên phần mềm danh sách phương tiện, người điều khiển, hành khách, tuyến đường và các địa điểm trong quá trình di chuyển để cung cấp thôn tin hành khách cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

Sở Giao thông Vận tải cũng thông báo, hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi, tuyến cố định và xe trung chuyển, xe hợp đồng (bao gồm xe hợp đồng bằng văn bản giấy hoặc điện tử), xe vận chuyển công nhân và chuyên gia, xe du lịch (bao gồm tuyến du lịch triển khai thí điểm từ TP. HCM – cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến thành phố Vũng Tàu và ngược lại) được phép hoạt động khi đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 và phù hợp với phương án tổ chức hoạt động vận tải của tỉnh, thành phố nơi đến.

Vận tải hành khách bằng xe buýt sẽ thực hiện theo kế hoạch do Sở Giao thông Vận tải công bố. Đến nay, TP. HCM đã khôi phục hoạt động của 85 tuyến xe buýt có trợ giá và không trợ giá trên địa bàn (trông tổng số hơn 120 tuyến).

Về hoạt động vận tải hàng hóa, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM hướng dẫn, hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô lưu thông theo hệ thống báo hiệu đường bộ và hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải. 

Vận tải hàng hóa bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh có sử dụng công nghệ (ứng dụng gọi xe hai bánh trên thiết bị di động) tuân thủ quy trình giao nhận hàng. Trong đó, đối với người điều khiển phương tiện cần tuân thủ nguyên tắc 5K và đã tiêm ít nhất một liều vaccine (sau 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid–19.

Đối với hoạt động vận tải bằng đường sắt, đường hàng không hoạt động theo Quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Trong khi đó, các loại hình vận tải đường thủy được hoạt động khi đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Dịch vụ ăn uống được bán đến 22h

UBND TP. HCM vừa ký văn bản khẩn gửi các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức, cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động "bình thường mới" ở những địa bàn có cấp độ dịch 1 và 2, được bán đồ uống có cồn.

Theo đó, UBND TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được thí điểm hoạt động đến 22 giờ hằng ngày từ nay đến hết ngày 30/11. Đối với địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp độ 1 và cấp độ 2, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động bình thường mới, thời gian hoạt động kết thúc trước 22 giờ hàng ngày.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động cụ thể theo từng cấp độ dịch. Cụ thể, địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp độ 1 và cấp độ 2, các cơ sở hoạt động "bình thường mới".

Địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp 3, các cơ sở được phục vụ ăn, uống tại chỗ không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; không được bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn.

Địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp 4, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi, không phục vụ ăn, uống tại chỗ.

Các cơ sở phải đáp ứng các quy định theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Sau thời gian thực hiện thí điểm, UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm gửi Sở Công Thương tổng hợp, đề xuất UBND TP. HCM.

Trước đó, UBND TP. HCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ hoạt động đến 21 giờ, không quá 50% công suất và không bán, không sử dụng đồ uống có cồn từ ngày 28/10.

Tin mới lên