Bất động sản

TP. Thủ Đức: Từ bưng biền tới 'New City' hiện đại

(VNF) - Từ vùng bưng biền, sình lầy chiến khu, thành phố Thủ Đức vụt sáng, trở thành đô thị thông minh thời thượng của thành phố Hồ Chí Minh. Đóng góp 30% GRDP cho thành phố, chiếm khoảng 7% GDP của cả nước, mức thu nhập bình quân đầu người của thành phố Thủ Đức hiện cao nhất cả nước, đạt 18.997 USD (440 triệu đồng/năm). Những chuyển động ấn tượng sau hơn 1 năm lên thành phố đã giúp Thủ Đức từ một nơi được định vị chỉ là vùng ven bình dân nay trở thành “new city” đáng sống.

TP. Thủ Đức: Từ bưng biền tới 'New City' hiện đại

Vùng lau sậy sinh lầy hóa “thung lũng silicon”

Tháng 12/2020 đặt dấu mốc quan trọng cho sự ra đời của TP. Thủ Đức – một thành phố trong thành phố đầu tiên của TP. HCM. Nhiều thế hệ người dân của TP. HCM còn nhớ những địa danh như Long Trường, Phú Hữu, Bình Trưng, An Phú, Phước Long và Tăng Nhơn Phú, nay thuộc TP Thủ Đức từng là căn cứ bưng biền nằm sát trung tâm Sài Gòn, đã làm nên nhiều chiến tích trong hai cuộc kháng chiến, vẫn còn nhiều dấu tích truyền thống cách mạng được lưu giữ.

Thật khó hình dung về cảnh quan ngày xưa, khi vùng bưng biền rặt lau sậy, sình lầy đã đổi thay, nay là một thành phố sầm xuất với những đại công trình, tuyến đường giao thông, những khu công nghiệp công nghệ cao. Đường cao tốc nối trung tâm TP. HCM đi Long Thành (Đồng Nai được thiết kế cầu cạn và điểm nhấn là cầu vượt sông Đồng Nai tại khu vực phường Long Phước sừng sững, đồ sộ. Giao cắt với đường cao tốc là đường vành đai 2 bằng một vòng xoay lớn chạy thẳng đến Khu Công nghệ cao TP. HCM (SHTP) mà giới chuyên gia thường gọi là “Thung lũng Silicon”.

“Thung lũng silicon” của TP.HCM trong năm 2022 dự kiến sẽ cán đích kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỷ USD. Tại đây đã có tới 51 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 10,1 tỷ USD (chiếm 84% tổng vốn đầu tư). Hơn 10 tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới như Intel, Jabil, Rockwell Automation (Mỹ), Nidec, Nipro, NTT (nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Datalogic (Y), Sanofi (Pháp) và TTI (Đức)… đã hội tụ tại SHTP. Sự có mặt những tập đoàn này không chỉ đóng góp lớn về giá trị sản xuất mà còn đưa SHTP trở thành điểm đến tin cậy của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới.

Vượt qua tâm bão vươn lên

Còn nhớ cơn bão Covid-19 lần thứ 4 ập đến vào năm 2021 đã đánh một đòn mạnh đến mức gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, sốc tiêu cực xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu của TP. HCM và cả TP. Thủ Đức. Lao động, việc làm suy giảm mạnh. Doanh nghiệp kiệt quệ tài chính. Tỷ lệ người khó khăn cần trợ cấp lên đến 40%-50% dân số thành phố, trên 60% các doanh nghiệp trên địa bàn phải ngừng hoạt động, kéo theo hàng trăm ngàn lao động mất việc làm. Và cũng hàng trăm nghìn lao động tạm thời từ bỏ cuộc mưu sinh, rời thành phố trở về quê nương tựa gia đình để tìm sự an toàn trong cơn đại dịch. Một bộ phận người lao động do bị tác động của đại dịch có tâm lý hoảng loạn, sang chấn tâm lý, không muốn quay lại làm việc.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng bằng nội lực, quyết tâm và sự chung tay của cả nước, Thủ Đức đã nhanh chóng vượt qua tâm bão từng bước đứng dậy để đạt con số ấn tượng: Đóng góp 30% GRDP cho thành phố, chiếm khoảng 7% GRDP của cả nước, mức thu nhập bình quân đầu người của TP. Thủ Đức hiện cao nhất cả nước, đạt 18.997 USD (440 triệu đồng/năm). Trong đề án thành lập, Thủ Đức được định hướng phát triển trở thành một đô thị thông minh, sáng tạo dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ để thúc đẩy phát triển về mọi mặt kinh tế xã hội.

Với tầm vóc và định hướng rõ ràng, tương lai TP. Thủ Đức sẽ là trung tâm lao động chất lượng cao, thị trường sẽ tập hợp lượng lớn nguồn nhân lực là chuyên gia cao cấp, người nước ngoài… Với vai trò là thành phố thông minh, nơi đây tiếp tục sẽ là “cục nam châm” hút các nhà khoa học, kỹ sư, cư dân công nghệ, tầng lớp tri thức đến sinh sống và làm việc.

Trong phát triển đô thị, hạ tầng luôn phải đi trước một bước, vì vậy với áp lực tăng trưởng dân số đột biến và đặc thù dịch vụ vệ tinh liên quan tới công nghệ, kỹ thuật cao, Thủ Đức sẽ trở thành nơi tập trung cao ốc, văn phòng. Dự kiến năm 2030 dân số toàn TP. Thủ Đức đạt khoảng 1,5 triệu người; năm 2040 đạt khoảng 2,2 triệu người, hướng đến 3 triệu người sau năm 2040. Vì thế, đất đai dành cho xây dựng đô thị đến năm 2030 vào khoảng gần 19.000ha; đến năm 2040 dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 20.000ha.

Nếu phát triển đúng hướng, sau 5-10 năm nữa, năng suất lao động của TP. Thủ Đức dự kiến sẽ gấp 3 lần năng suất lao động của TP. HCM, với dân số và lực lượng lao động chiếm 10% của thành phố, trở thành nền kinh tế thứ 3 cả nước, chỉ sau TP. HCM và Hà Nội. Đồng thời, nơi đây hứa hẹn cũng sẽ có hàng triệu căn hộ, hàng chục triệu mét vuông văn phòng phục vụ nhu cầu xã hội hóa.

Sau hơn nửa năm trở lại trạng thái “bình thường mới”, TP. Thủ Đức đã góp phần để nhịp sống ở đại đô thị lớn nhất cả nước TP. HCM trở lại như vốn có, lấy lại ngôi vị dẫn đầu về xuất khẩu của cả nước từ tay tỉnh Bắc Ninh. Điều này cho thấy dư địa, tiềm lực và sức sống của doanh nghiệp kinh tế thành phố cũng như nỗ lực của hệ thống chính quyền.

“Thủ phủ” của những dự án bất động sản hiện đại

Những khó khăn nhất, TP. HCM đã vượt qua, người dân của TP. Thủ Đức cũng đã vượt qua. Cả hệ thống chính quyền và người dân TP đang hối hả bắt tay vào công cuộc kiến thiết lại. Các tuyến cao tốc, tuyến đường vành đai, những cây cầu kết nối với tỉnh bạn, với vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng đang được gấp rút triển khai xây dựng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, cả nước chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của Thủ Đức, từ một vùng ven bình dân đến một thành phố hiện đại đáng sống với nhiều dự án bất động sản thời thượng nhất cả nước. Một tương lai mới rực rỡ cho người dân khu vực, cho cả những nhà đầu tư đã mở ra. Ví như ở phường An Phú điểm giao giữa khu đô thị Thủ Thiêm, Thảo Điền, Bình Trưng Tây...đã hình thành những dự án quy mô lên đến hàng chục hecta. Nhiều nhà đầu tư hy vọng rằng, cũng như quận Gangnam của Seoul hoặc tân khu phố đông của Thượng Hải từng là những khu vực kém phát triển vào thập niên 80. Sau quá trình đầu tư mạnh, hai khu vực trên đều trở thành trung tâm kinh tế, tài chính mới khiến cả thế giới kinh ngạc.

TP. Thủ Đức ngày nay có thể kế thừa điều này và có lợi thế lớn hơn nhiều: Khu Đại học Quốc gia, Khu công nghệ cao đều đã và đang phát triển mạnh, điều kiện rất thuận lợi để tổ chức tốt mối liên kết giữa giáo dục - nghiên cứu - ứng dụng, tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế, triển lãm quốc tế để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghệ, sản phẩm mang nhãn Made in/Made in VietNam giá trị cao.

Thủ Đức nằm trên trục xương sống của các đầu mối giao thông, có quốc lộ, đại lộ nối thẳng đến thành phố công nghiệp Biên Hòa, có cảng Cát Lái, bến xe Miền Đông, có đường sắt chạy xuyên, lại sắp có thêm metro, trong tương lai còn có đường vành đai đến thẳng sân bay Long Thành...

Những thuận lợi này mở ra tiềm năng liên kết vùng rộng mở cho Thủ Đức, dùng tư duy kinh tế thị trường để thu hút nguồn vốn ngoại lực, xã hội hóa để khởi động tiếp tục các dự án đang dang dở, Thủ Đức chắc chắn sẽ là một “New city” hiện đại, một thành phố đáng sống.

Tin mới lên