Tiêu điểm

TPP đổ vỡ, Việt Nam đã có kế hoạch B, kế hoạch C, D, E, F

(VNF) – Theo đánh giá của ông Fred Burke - Trưởng nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) - Việt Nam đã khôn ngoan khi không bỏ hết trứng vào một giỏ TPP. Trên thực tế, có thể nói rằng Việt Nam không chỉ có "kế hoạch B" mà còn có cả kế hoạch C, D, E, và F.

TPP đổ vỡ, Việt Nam đã có kế hoạch B, kế hoạch C, D, E, F

Việt Nam đã có nhiều phương án để đối phó với thực tế TPP đổ vỡ

"Kế hoạch B" có thể giảm đến 20% chi phí cho chuỗi cung ứng toàn cầu

"Kế hoạch B" của Việt Nam là Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại – hiệp định đa phương duy nhất trong Vòng đàm phán Doha trong khuôn khổ WTO đã được ký kết, thông qua thành công và có hiệu lực từ ngày 22/2/2017.

Theo ước tính của WTO, chỉ riêng hiệp định này cũng có thể làm giảm đến 20% các chi phí cho chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp cho các quốc gia thực hiện hiệp định trở nên cạnh tranh hơn trên các thị trường toàn cầu.

"Việt Nam phải chuẩn bị rất nhiều để thực thi hiệp định này bao gồm cả việc khởi động Ủy ban Quốc gia về Tạo Thuận lợi Thương mại và ký Hiệp định song phương về Hợp tác Hải quan với các đối tác thương mại chính", ông Fred Burke cho biết.

Theo sau những nỗ lực này, "kế hoạch C" của Việt Nam sẽ là thực hiện cam kết WTO và các Hiệp định đang có hiệu lực khác.

Để làm được điều đó, Việt Nam sẽ phải hoàn tất một số việc chưa thực hiện xong như loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà đối với việc kinh doanh và phân phối các sản phẩm nước ngoài.

TPP đổ vỡ, Việt Nam đã có kế hoạch B, kế hoạch C, D, E, F… ảnh 1

Việt Nam cần nỗ lực để thực hiện các cam kết WTO và các Hiệp định thương mại khác

Song song là thực hiện "kế hoạch D" - bao gồm việc tiếp tục theo đuổi các mục tiêu được phản ánh trong các hiệp định của Cộng đồng Kinh tế ASEAN với 9 quốc gia ASEAN khác.

Theo Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại VBF, hiện Việt Nam đã trở thành quốc gia ASEAN xuất khẩu hàng đầu vào Hoa Kỳ cũng như dẫn đầu trong công cuộc cải cách và phát triển. Chính ASEAN cũng được kỳ vọng sẽ trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ ba trên thế giới vào năm 2018. Điều này tạo các cơ hội thực sự cho các doanh nghiệp Việt Nam thử sức mình tại các thị trường dễ tiếp cận và thân thiện "gần sân nhà".

Việc tiếp tục hài hoà hoá các quy định thủ tục, miễn thị thực cho các thể nhân  và các động thái khác để giúp việc lưu chuyển vốn, hàng hoá và dịch vụ tự do hơn trong khu vực ASEAN để góp phần thắt chặt mối liên kết đặc biệt của ASEAN với tư cách là một hiệp hội kinh tế.

Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa ASEAN và Trung Quốc cũng tiếp tục cho phép Việt Nam nhập khẩu các nguyên liệu thô, linh kiện và các thiết bị từ Trung Quốc để lắp ráp các sản phẩm tại Việt Nam cho các thị trường quốc tế ở mức giá cạnh tranh.

Các kế hoạch trong tầm tay

Hiện tại, Việt Nam còn một loạt hiệp định đang chờ thực thi, chờ ký kết và có cơ hội tham gia. Do đó, "kế hoạch E" của Việt Nam sẽ bao gồm việc theo đuổi các thoả thuận song phương và đa phương đang chờ ký kết.

Đứng đầu trong danh sách hiện nay là TPP - 11 (TPP không Mỹ), tiếp theo là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (đã được ký và  đang chờ 27 Nghị viện châu Âu phê chuẩn), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

"Không có hiệp định nào trên đây loại trừ lẫn nhau. Trên thực tế, các hiệp định này bổ sung cho nhau để lập nên một khối vững mạnh hơn toàn bộ các phần hợp thành. Nhiều cơ hội thương mại hơn dẫn đến việc tập hợp các nguồn lực mang tính cạnh tranh hơn và Việt Nam cần tiếp tục chiến lược đa phương của mình để nắm bắt càng nhiều cơ hội như vậy", ông Fred Burke nhận định.

TPP đổ vỡ, Việt Nam đã có kế hoạch B, kế hoạch C, D, E, F… ảnh 2

EVFTA,TPP-11 hay RCEP là những kế hoạch mà Việt Nam đang và có thể theo đuổi hiện nay

Trưởng nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại VBF cũng lưu ý rằng, mặc dù đã rời khỏi TPP, nhưng Hoa Kỳ vẫn quan tâm đến việc theo đuổi Hiệp định Thương mại tự do song phương với Việt Nam.

"Xét các thâm hụt thương mại đáng kể mà Hoa Kỳ phải chịu trong giao thương với Việt Nam, hoàn toàn dễ hiểu khi các nhóm lợi ích kinh doanh Mỹ đòi hỏi việc gia tăng tiếp cận thị trường như một phần của thỏa thuận FTA. Chính quyền Trump mong muốn thể hiện được lợi ích từ hoạt động xuất khẩu ngay lập tức cho Hoa Kỳ. Việt Nam có thể biến điều này thành cơ hội để tăng tốc lộ trình để tiếp cận thị trường lẫn nhau tại Mỹ".

Đây chính là "kế hoạch F" mà ông Fred Burke muốn nói đến. Ngoài ra, ông Fred Burke cũng cho rằng Việt Nam cần thực hiện thêm "kế hoạch G" - tiếp tục các cải cách kinh tế và hành chính trong nước để duy trì tính cạnh tranh, giảm nghèo và tiến lên một tầm cao mới trong việc phát triển kinh tế.

"Nhìn chung, Việt Nam đang ở một vị trí thuận lợi để gặt hái các thành quả bằng cách thực hiện chiến lược hội nhập toàn cầu của mình bất kể việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP, dựa trên số lượng các sáng kiến song phương, đa phương và nội địa đang theo đuổi.

"Đặc biệt là vào thời điểm một vài quốc gia quay lại chủ nghĩa bảo hộ lạc hậu, Việt Nam là một minh chứng đáng tuyên dương về sự hòa nhập với thế giới. Chúng tôi mạnh mẽ đề xuất chính phủ kiên quyết tiếp tục theo đuổi chiến lược hội nhập kinh tế toàn cầu của mình bất kể các các trở ngại đôi lúc gặp phải", ông nói.

Tin mới lên