Tiêu điểm

TPP: Lao động Việt Nam có nhiều lợi ích hơn

(VNF) - Thỏa thuận song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong TPP về quyền người lao động ở Việt Nam có thể cung cấp cho người lao động nhiều lợi ích hơn. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào hành động của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách và thực thi quyền người lao động.

TPP: Lao động Việt Nam có nhiều lợi ích hơn

TPP sẽ mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động Việt Nam (Ảnh: NYTimes)

Chiều 5/11 (theo giờ Hà Nội), toàn văn bản bằng tiếng Anh của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước thành viên công bố đúng một tháng sau khi quá trình đàm phán kết thúc.

Trong TPP, các nước thành viên đồng ý thông qua và duy trì trong luật và thông lệ của mình các quyền cơ bản của người lao động đã được thừa nhận trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) bao gồm: Quyền  tự do hiệp hội và thương lượng tập thể; Quyền tự do không bị cưỡng bức hay bắt buộc lao động; Quyền được đối xử bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc làm; Xóa bỏ một cách có hiệu quả lao động trẻ em.

Đồng thời, các nước thành viên cũng phải có luật quy định về mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Những cam kết này áp dụng cả với các khu chế xuất.

Các điều khoản về tiêu chuẩn lao động trong TPP sẽ buộc các nước như Việt Nam phải thay đổi các điều luật lao động. Để được tham gia vào TPP, các nước này phải chứng minh rằng họ đang tuân theo những nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Theo thỏa thuận song phương với Mỹ, Việt Nam phải thay đổi luật hoặc ban hành luật mới: Cho phép người lao động thành lập công đoàn độc lập mà không chịu sự kiểm soát của Chính phủ; cho phép biểu tình bãi công để đòi tăng lương và cải thiện các điều kiện lao động;  cho phép công đoàn có được sự hỗ trợ từ bất kỳ "tổ chức lao động quốc tế" như Liên đoàn lao động và hiệp hội của các tổ chức công nghiệp Hoa Kỳ (AFL-CIO).

Theo thỏa thuận này, Mỹ sẽ dỡ bỏ thuế quan nếu Việt Nam thực hiện đúng các cam kết về lao động. Việt Nam có khoảng thời gian là 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực để thực hiện cam kết. Sau giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, Mỹ sẽ có 2 năm để đánh giá xem liệu Việt Nam có tuân thủ đúng các cam kết hay không. 

Theo đó, nếu Mỹ thấy Việt Nam không thực hiện đúng các nghĩa vụ, họ sẽ thông báo, tiến hành tham vấn và sau đó có quyền đơn phương chấm dứt việc dỡ bỏ thuế quan (đối với những loại thuế chưa thực hiện vào thời điểm đó), như đã thỏa thuận.

Trường hợp thứ nhất, nếu Việt Nam đồng ý với Mỹ về việc Việt Nam đã không thực hiện đúng các cam kết, việc tạm dừng dỡ bỏ các dòng thuế sẽ tiếp tục diễn ra. Trường hợp thứ hai, nếu Việt Nam cho rằng đã thực hiện đúng các cam kết, Việt Nam có thể thực hiện việc giải quyết tranh chấp với Mỹ theo quy định hiện hành của TPP (Chương 28: Giải quyết tranh chấp). Trong trường hợp này, nếu Việt Nam không thuyết phục được ban hội thẩm về quyết định sai của Mỹ, thì đương nhiên việc dừng cắt giảm thuế tiếp tục diễn ra.

Còn nếu Việt Nam chứng minh được mình đã đúng, thì việc xóa bỏ thuế quan sẽ được khôi phục lại.

Hiện nay, Bộ luật Lao động Việt Nam chứa đựng những yêu cầu như được nêu trong tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế năm 1998 và những điều kiện bắt buộc với các nước thành viên TPP. Việc hoàn thiện luật lao động ở Việt Nam cũng đang diễn ra.

Bộ luật lao động số 10/2012/QH3 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 03 thông qua ngày 18/06/2012 mở rộng đáng kể quyền người lao động. Theo đó, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó, tăng 15% so với quy định cũ là 70%.

Cũng theo bộ luật này, mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường; phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Điều 5 của Bộ luật Lao động quy định rằng người lao động Việt Nam có quyền lao động, quyền gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định, tham gia đình công. 

Điều 8 của Bộ luật Lao động cấm phân biệt đối xử,ngược đãi, cưỡng bức lao động. Điều 104 của Bộ luật Lao động thiết lập thời gian làm việc của lao động. 

Phần 3 của điều 164 Bộ luật Lao động quy định:"Không được sử dụng lao động là người dưới 13 tuổi làm việc trừ một số công việc cụ thể do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định".

Ngoài ra, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 quy định chi tiết hơn một số chính sách về bảo hiểm xã hội hiện hành và bổ sung nhiều chính sách mới có lợi cho người lao động Việt Nam và nước ngoài và Việt Nam sẽ tiến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế về lao động.

Tuy nhiên, về quyền tự do thành lập công đoàn độc lập không chịu sự kiểm soát của chính phủ, trong bối cảnh Việt Nam đang duy trì một hệ thống công đoàn thống nhất và duy nhất là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, yêu cầu này có thể sẽ gây khó khăn cho Việt Nam.

Bộ Công Thương cho biết văn bản TPP vừa được công bố được các bên thống nhất sau khi hoàn tất đàm phán ngày 5/10 tại Atlanta (Mỹ). Do quá trình rà soát pháp lý vẫn đang tiếp tục nên bản công bố lần này chưa phải là bản cuối cùng. Bản cuối cùng có thể sẽ có một số thay đổi nhưng chỉ là các chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến nội dung cam kết. 

Tin mới lên