Tài chính quốc tế

TPP: Nạn nhân đầu tiên của chính trị 'chống thương mại' của Mỹ

(VNF) - Mỹ đang bỏ lỡ cơ hội tự do hóa thương mại tốt nhất với các quốc gia có rào cản thương mại và đầu tư cao trong nhiều thập kỷ như Việt Nam và Malaysia, tờ Wall Street Journal nhận định.

TPP: Nạn nhân đầu tiên của chính trị 'chống thương mại' của Mỹ

Mỹ đang bỏ lỡ cơ hội tự do hóa thị trường đối với các quốc gia như Việt Nam và Malaysia.

Ngày 13/11, Nhà Trắng đã chính thức tuyên bố từ bỏ ý định thông qua Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian tại nhiệm của ông Obama. Các quan chức nội các của ông Obama và Phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã nỗ lực nhiều tháng qua nhằm vận động hành lang đối với các thượng nghị sĩ Mỹ, để Quốc hội thông qua TPP trước khi ông chủ thứ 44 của Nhà Trắng mãn nhiệm. 

Hôm 9/11, lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell nói rằng ông sẽ không lưu tâm đến TPP trong những tuần trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức và số phận của TPP nay phụ thuộc vào ông Trump. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan trước đó cũng đã tuyên bố Hạ viện sẽ không tiến hành bỏ phiếu cho TPP. 

Vị tỷ phú cũng thẳng thừng đề xuất hủy bỏ TPP, tái đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) ký kết cách đây 22 năm, đồng thời có lập trường thương mại cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Tờ Wall Street Journal nhận xét, thất bại này là không thể tránh khỏi khi chủ nghĩa bảo hộ cả hai bên cánh tả - cánh hữu trong chiến dịch tranh cử năm 2016 đều phản đối TPP, nhưng "chúng ta hãy hy vọng rằng đây không phải là "phát súng đầu tiên", mở ra một kỷ nguyên mới của chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế thế giới vốn đang "run rẩy" khó có khả năng chống chọi được".

Cả Donald Trump và Hillary Clinton đều không ủng hộ hiệp định TPP, trong đó phản đối của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump là quyết liệt hơn cả. 

Bà Hillary Clinton khi còn là Ngoại trưởng Mỹ đã giúp đàm phán TPP với nhận định TPP là "tiêu chuẩn vàng" cho thương mại thế giới; nhưng nay bà "xoay trục" với tuyên bố nếu đắc cử tổng thống bà sẽ chống lại TPP. Tuy nhiên, các cố vấn tranh cử của bà Clinton nói rằng, bà "sẽ không phản đối" nếu TPP được đưa ra biểu quyết tại kỳ họp "vịt què" (lame-duck session) của Quốc hội Mỹ - tức kỳ họp cuối nhiệm kỳ của ông Obama khi người kế nhiệm đã được chọn - sẽ diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11 và trước khi Quốc hội mới ra mắt vào cuối tháng 1/2017.

Ông Trump ngay từ đầu chiến dịch tranh cử đã thể hiện rõ sự phản đối với TPP ngay cả khi Quốc hội thông qua và luôn nhất quán với quan điểm này. Ông gọi TPP là "một thảm họa" và "sự cưỡng hiếp đối với nước Mỹ" và là một hiệp định mang nhiều việc làm ra khỏi nước Mỹ. Và sự thật là Donald Trump đã thắng cử.

"Đàm phán trong nhiều năm và sau ném TPP xuống đất trong một năm bầu cử cũng là "liều lĩnh chính trị", Wall Street Journal bình luận. "Mỹ đang bỏ lỡ cơ hội tốt nhất tự do hóa thị trường với các quốc gia có rào cản thương mại và đầu tư cao trong nhiều thập kỷ như Việt Nam và Malaysia". Xuất khẩu của Mỹ đã đạt được nhiều thành tựu tại các thị trường này, và trong dài hạn TPP sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh và kích thích tăng trưởng nền kinh tế Mỹ.

Hơn nữa, TPP được xem là một đối trọng địa chính trị trước sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính phủ Mỹ đưa TPP trở thành một bộ phận của chiến lược "xoay trục" sang châu Á, nhằm duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ cả về kinh tế lẫn chính trị và an ninh.

Sự tan rã của TPP còn là một "bất hạnh" đặc biệt đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đặt cược vào Mỹ và coi TPP là trọng tâm của chương trình cải cách kinh tế của ông. Ông Abe sẽ phải tìm một lối đi khác để "đưa Nhật Bản vĩ đại trở lại".

Có lẽ Trump sẽ thực hiện biện pháp như áp đặt thuế quan trong các vụ kiện chống bán phá giá hoặc các thay đổi nhỏ đối với hoạt động giao dịch thương mại hiện nay. Tuy nhiên, việc áp đặt thuế trừng phạt có thể dẫn đến sự trả đũa thương mại.

Trump nói rằng ông là một nhà kinh doanh tự do nhưng những giao dịch thương mại gần đây đã làm tổn thương người lao động và các công ty Mỹ. Trump chứng minh ông có thể mở cửa thương mại bằng cách khởi động các cuộc đàm phán thương mại song phương với Nhật Bản, hoặc có thể với Vương quốc Anh khi Anh chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến đợt bán tháo đầu tiên trong tuần này khi Trump thắng cử, sau đó phục hồi với kỳ vọng việc thực hiện các chính sách ủng hộ tăng trưởng sẽ là ưu tiên của ông vào năm 2017. "Nhưng sự thất bại của TPP sẽ là một lời nhắc nhở rằng Donald Trump là một nhà bảo hộ đích thực đầu tiên kể từ các thời tổng thống Mỹ năm 1920, và điều này mang rủi ro kinh tế lớn" theo Wall Street Journal.

Tin mới lên