Diễn đàn VNF

Trà dư tửu hậu: Trả chín quan tiền, lại thôi…

(VNF) - Với những người thuộc và mê thơ Nguyễn Bính, cái tít bài ở trên lập tức làm gợi nhớ ngay đến hai câu thơ trong bài “Giấc mơ anh lái đò” của thi sỹ đồng quê này: “Lang thang tôi dạm bán thuyền/Có người trả chín quan tiền, lại thôi”. Bài thơ là một trong không nhiều thi phẩm của thơ ca Việt có viết về tiền, đáng được đem ra bàn thảo vui vẻ dưới cái nhìn hiện đại trong khung cảnh đầu tư tài chính hiện nay.

Trà dư tửu hậu: Trả chín quan tiền, lại thôi…

Nhưng trước hết, ta hãy nói về tiền đã. Thời hiện đại, ngoài tiền thực sự (tiền giấy và tiền kim loại), người ta đã sáng tạo ra rất nhiều thứ có giá trị ngang tiền, được sử dụng như tiền. Đó là cổ phiếu, trái phiếu, là séc ngân hàng, là chi phiếu, chứng khoán...

Tiền, ngoài đồng tiền thật với đủ loại của các quốc gia, liên quốc gia, còn có cả tiền ảo, tiền điện tử. Tất cả các thứ ấy tạo nên thị trường tài chính và đầu tư hết sức phong phú, biến ảo. Còn có thêm các thứ khác nữa, phi vật thể hay gần như phi vật thể, ví dụ như uy tín, mối quan hệ, một chữ ký của ai đó quan trọng, cũng có giá trị có khi còn lớn hơn vốn cố định bằng tiền, làm tăng vọt giá trị của vốn đầu tư thực tế, quyết định thành bại các dự án đầu tư từ nhỏ đến lớn. Bây giờ, làm việc gì lớn là kèm ngay câu hỏi: “Tiền đâu để làm?”. “Đầu tiên” được nói lái thành “Tiền đâu” là như thế.

Tiền ra đời rất lâu rồi, cách đây hơn 5000 năm, trước công nguyên 3000 năm. Nó xuất hiện ở vùng Lưỡng Hà, dưới dạng tiền xu, được gọi tên là siglos hay shekel, sau đó tiếp tục xuất hiện ở thời kỳ nhà nước Lydia, lan tỏa ra khắp thế giới trong quá trình phát triển của các đế chế lớn thuộc nền văn minh Hy Lạp thời cổ đại.

Ở Trung Quốc, tiền giấy xuất hiện đầu tiên từ năm 600, lưu hành thông dụng trong thời đại nhà Tống, từ thế kỷ thứ 10 đã phát triển rất mạnh mẽ. Ở Việt Nam, đồng tiền xuất hiện đầu tiên, được đúc vào năm 970, dưới thời Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt (968-979). Đồng tiền có tên là Thái Bình Hưng Bảo. Sau đó, mỗi thời vua lại thường cho đúc một, hai loại tiền mới. Tiền giấy xuất hiện ở Việt Nam năm 1396, thời nhà Trần suy tàn, nhà Hồ sắp tiếp nối. Tiền giấy ấy xuất hiện với vai trò quyết định của Hồ Quý Ly, là trọng thần triều đình nhà Trần, nên khi nói về cải cách, trong đó có việc lưu hành tiền giấy, các nhà nghiên cứu đều kể công tích này cho Hồ Quý Ly.

Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, ngoài tiền dùng cho lưu thông, còn có tiền thưởng, được đúc to, dày với hoa văn long phượng, để vua ban thưởng, như tiền Cảnh Hưng thông bảo thời Hậu Lê, tiền Cảnh Thịnh thông bảo và Bảo Hưng thông bảo thời nhà Tây Sơn. Những đồng tiền thưởng này có giá trị lớn nên ít khi được lưu thông trong đời sống.

Lướt qua lịch sử như vậy để thấy rằng, đồng tiền Việt Nam cũng xuất hiện hào hùng không kém so với tiền các quốc gia lân cận. Ngày nay thị trường tài chính là liên thông toàn cầu, tiền tệ Việt Nam cũng hòa vào dòng chảy chung sôi động ấy.

***

Người Việt Nam có câu thành ngữ nổi tiếng là “Trọng nghĩa khinh tài”. Chữ tài ở đây là tiền bạc. Ta lại là nước nông nghiệp lạc hậu, số đông dân chúng thường không nhiều tiền, do đó mà tìm đọc ca dao, tục ngữ, thành ngữ, đa số chỉ thấy coi thường tiền bạc, hạ thấp giàu có, sung túc… Điều này cần phải thay đổi trong công cuộc phát triển và hội nhập toàn cầu hiện nay.

Thế là tôi lại muốn bình khác đi về bài thơ “Giấc mơ anh lái đò” của thi sỹ Nguyễn Bính. Cả bài thơ ấy như sau:

Năm xưa chở chiếc thuyền này,

Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều.

Để tôi mơ mãi, mơ nhiều:

“Tước đay xe võng nhuộm điều, ta đi.

Tưng bừng vua mở khoa thi,

Tôi đỗ quan Trạng, vinh quy về làng.

Võng anh đi trước võng nàng...

Cả hai chiếc võng cùng sang một đò”.

Đồn rằng đám cưới cô to,

Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu.

Nhà gái ăn chín nghìn cau,

Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn...

Lang thang tôi dạm bán thuyền,

Có người trả chín quan tiền, lại thôi!

Buông sào cho nước sông trôi,

Bãi đay thấp thoáng, tôi ngồi tôi mơ...

Có người con gái đang tơ,

Vẫy tay ý muốn sang nhờ bãi đay.

- Sao cô không gọi sáng ngày?

Giờ thuyền tôi đã chở đầy thuyền mơ.

Con sông nó có hai bờ,

Tôi chưa đỗ Trạng, thôi cô lại nhà!

Bài thơ này được viết vào năm 1938. Tôi ngạc nhiên là thời điểm này đã xuất hiện nhiều thương gia tên tuổi như Bạch Thái Bưởi, đi lên từ hai bàn tay trắng, có sự nghiệp kinh doanh lừng lẫy và đã mất trước đó 6 năm (1932). Các thương gia khác thì đang phát đạt, như Trịnh Văn Bô, Ngô Tử Hạ, Nguyễn Sơn Hà… Trước đó, một người con gái cùng quê với Nguyễn Bính, là cô Trần Thị Lan (cô Tư Hồng) cũng tay trắng đi lên, thành người cực giàu. Vậy mà sao Nguyễn Bính lại cứ để cho xúc cảm của mình xuôi theo chiều yếm thế mà viết một bài thơ yếm thế đến như vậy.

Lại theo cái giấc mơ đỗ Trạng của anh lái đò mà tìm hiểu. Khoa thi Nho học cuối cùng thời nhà Nguyễn diễn ra vào năm 1919. Từ đó không còn ai đỗ Trạng nguyên nữa. Nguyễn Bính theo Tây học với chữ quốc ngữ. Như vậy, có thể Nguyễn Bính viết bài này đơn thuần như một lối chơi cảm xúc thơ thôi. Và vô tình, ông đã truyền cái ngậm ngùi yếm thế cho những chàng trai nghèo. Chàng lái đò chở cô gái đẹp và mơ tưởng viễn cảnh đỗ Trạng nguyên, võng điều vinh quy, “võng anh đi trước võng nàng…”. Nhưng chàng chỉ mơ thôi, chẳng làm gì cả. Chàng vẫn lái đò cho đến ngày nàng về nhà chồng trong một đám cưới tưng bừng, với chín con đò đón dâu, khách ăn cưới đến chín nghìn cau, nhà trai mang cheo đến những chín nghìn quan tiền.

Lúc này chàng mới bừng tỉnh, lang thang dạm bán con thuyền của mình. Có người trả chín quan tiền, chả bõ bèn gì so với vương giả mà người con gái qua đò năm xưa đang hưởng. Thế là lại thôi. Chả biết ai thôi, người trả chín quan tiền thôi mua hay chàng lái đò thôi bán. Chàng lại về với bến đò và không dám mơ tiếp khi có “có người con gái đang tơ” khác đến gọi đò…

Bây giờ thì ta phải hành động khác. Ta có giấc mơ như vậy, thì sẽ thôi lái đò, dù theo quan điểm mới thì lái đò cũng là vinh quang, để tìm cách theo đòi đèn sách, mới đỗ đạt được chứ. Mơ gì thì cũng phải hành động mới có thể hiện thực hóa. Ngay cả mơ trúng xổ số độc đắc, cũng phải mua vé số cơ mà. Sau nữa, khi thấy nàng đã về cửa nhà khác, tưởng vương giả đấy, nhưng biết đâu nàng lâm vào cảnh: “Mẹ em tham thúng xôi rền/Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng (là cái tiền thưởng vua ban cho ấy)/Em đã bảo mẹ rằng đừng/Mẹ hấm mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào/Bây giờ chồng thấp vợ cao/Như đôi đũa lệch so sao cho bằng?”.

Thế là còn hy vọng. Bán thuyền chỉ được chín quan tiền, cũng đủ để ta “Có chí làm quan, có gan làm giàu”, ngày nay gọi là chuyển đổi nghề nghiệp. Với chín quan tiền mà biết đầu tư tài chính, thì rồi cũng có ngày giàu có được chứ. Nếu cô gái ngày xưa đã lấy chồng, đã yên bề gia thất rồi, thì vẫn còn “có người con gái đang tơ” khác, rất xứng đáng để nâng khăn sửa túi cho ta đấy mà…

Ngày xuân, bình lại thơ Nguyễn Bính kiểu vậy là như một cách khích lệ chúng ta làm giàu, tìm cơ hội đầu tư để phát triển. Nhưng tôi lại muốn nhắc đến hai câu thơ của Nguyễn Bảo Sinh, một nhà thơ dân gian thời hiện đại, đang rất được truyền tụng: “Khi mê tiền chỉ là tiền/Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm”. Mê ở đây là mê lú, ngộ ở đây là giác ngộ, như chữ dùng của nhà Phật ấy. Làm giàu, kiếm tiền là rất cần thiết, nhưng đừng sa vào mê lú mà luôn phải biết giác ngộ để thấy tâm trong tiền. Đồng tiền có tâm là tiền chính đáng, tiền sạch, chứ dứt khoát không kiếm tiền bẩn, tiền có được vì làm trái đạo đức, lương tâm và pháp luật.

Tin mới lên