Thị trường

Trà sữa Pozaa Tea: Khẳng định lợi nhuận 50-100 triệu/tháng, thực chất công ty mẹ chưa từng có lãi?

(VNF) - Trên website của mình (pozaatea.vn), chuỗi trà sữa Pozaa Tea công bố số vốn để nhà đầu tư sở hữu một cửa hàng thuộc thương hiệu này chỉ vẻn vẹn 300 triệu đồng, bao gồm cả phí chuyển nhượng và khẳng định có thể thu hồi vốn từ 3-6 tháng. Tuy nhiên, thực chất công ty mẹ của Pozza Tea những năm qua chưa từng biết đến lãi...

Trà sữa Pozaa Tea: Khẳng định lợi nhuận 50-100 triệu/tháng, thực chất công ty mẹ chưa từng có lãi?

Trà sữa Pozaa Tea: Khẳng định lợi nhuận 50-100 triệu/tháng, thực chất công ty mẹ chưa từng có lãi?

Mới đây, trên website chính thức, thương hiệu trà sữa Pozaa Tea của Công ty TNHH Pozaa có bài viết tựa đề "Những khó khăn với nhượng quyền trà sữa Gong Cha" thu hút được không ít sự quan tâm của dư luận.

Theo đó, bài viết đã đề cập đến những khác biệt giữa hoạt động nhượng quyền giữa Pozaa Tea và đối thủ cạnh tranh là Gong cha, đặc biệt tiết lộ về phí chuyển nhượng của cả hai thương hiệu trà sữa này.

Cụ thể, phía Pozaa cho rằng, để mở một cửa hàng trà sữa Gong cha, nhà đầu tư sẽ cần phải có một nguồn kinh phí dự kiến từ 3-5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này bao gồm chi phí để được nhượng quyền thương hiệu là 1 tỷ đồng; tiền bảo đảm là 30% giá trị nhượng quyền tương ứng với 300 triệu đồng.

Cùng với đó, chi phí mua nguyên vật liệu dự kiến khoảng 900 triệu đồng, chưa bao gồm chi phí vận chuyển ra khu vực khác (đề xuất 1 container 20 feet). Cuối cùng là nguồn vốn dự phòng khoảng 800 triệu đồng.

"Chính bởi vậy, với nguồn kinh phí từ 3-5 tỷ đồng này, muốn nhượng quyền trà sữa Gong cha, Gong cha sẽ yêu cầu các khách hàng phải chứng minh được tình hình tài chính để có thể đáp ứng được yêu cầu mở, duy trì và phát triển cửa hàng trong một thời gian dài, tránh việc kinh doanh không hiệu quả, không thu lại được nguồn vốn", bài viết của Pozaa Tea nhận định.

Không những vậy, phía Pozaa Tea khuyến nghị rằng không phải ai cũng nhượng quyền trà sữa Gong cha thành công, cho dù có yêu thích lĩnh vực kinh doanh này. Một phần vì nguồn tiền đầu tư lớn (3-5 tỷ đồng), một phần là do những yêu cầu khắt khe của Gong cha, đơn cử như yêu cầu về khu vực nhượng quyền phải là những thành phố lớn, đông dân cư.

"Dìm hàng" đối thủ cạnh tranh là vậy, Pozaa Tea nhấn mạnh nhà đầu tư thay vì lựa chọn Gong cha, có thể cân nhắc mua nhượng quyền những thương hiệu khác, ví dụ như chính Pozaa Tea.

"Với số vốn chỉ từ 300 triệu đồng, đã bao gồm phí nhượng quyền, là nhà đầu tư đã có thể mở một cửa hàng trà sữa mang thương hiệu Pozaa Tea", lời mời chào của phía Pozaa Tea.

Đặc biệt, thương hiệu trà sữa này khẳng định khả năng thu hồi vốn với Pozaa Tea rất nhanh chóng, chỉ trong vòng từ 3-6 tháng. Điều này có nghĩa, Pozaa Tea sẽ đem lại lợi nhuận mỗi tháng lên tới 50-100 triệu đồng cho nhà đầu tư!?

Lời khẳng định chắc nịch của Pozaa Tea đã khiến dư luận hoài nghi về lợi nhuận của các cửa hàng kinh doanh trà sữa, cũng như của chính Pozaa Tea.

Để làm rõ vấn đề này, VietnamFinance đã tìm hiểu và khá bất ngờ khi nhiều năm qua, Công ty TNHH Pozaa có một bức tranh tài chính cực kỳ kém sắc và chưa từng biết đến lãi.

Được biết, Công ty TNHH Pozaa thành lập vào ngày 19/4/2017, bởi cổ đông duy nhất là bà Hoàng Thị Hiền (SN 1981). Địa chỉ trụ sở chính của Pozaa ở phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội và cũng là nhà riêng của bà Hiền.

Theo giới thiệu trên website, Pozaa Tea của doanh nhân Hoàng Thị Hiền đã có hơn 200 cửa hàng trên toàn quốc và ấp ủ giấc mơ vươn ra thị trường quốc tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo tài liệu mà VietnamFinance có được, những năm gần đây doanh thu của Pozaa rất èo uột, kém xa các đối thủ cạnh tranh khác.

Trong giai đoạn 2017-2019, ở năm đầu bước chân vào kinh doanh, Pozaa chỉ ghi nhận doanh thu 16,6 triệu đồng, tăng lên 321,5 triệu đồng vào năm kế tiếp. Đến cuối 2019, con số này dừng ở mức 1,7 tỷ đồng, tương ứng 4,6 triệu đồng mỗi ngày.

Với đà tăng trưởng bằng lần, cho dù thực đạt rất khiêm tốn, tuy nhiên doanh nghiệp gánh lỗ liên tiếp qua các năm theo đồ thị hình sin với sự thăng giáng mạnh. Ở năm đầu thành lập, Pozaa lỗ ròng 82,7 triệu đồng, năm tiếp theo giảm lỗ còn 21,6 triệu đồng và năm cuối chu kỳ lỗ sâu 49 triệu đồng.

Kết quả kém sắc đã bào mòn vốn chủ sở hữu của Pozaa, đến cuối 2019 chỉ còn 1,74 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng. Cũng tại thời điểm này, nợ phải trả đứng ở mức 3,8 tỷ đồng, cao gấp đôi vốn chủ sở hữu.

Sự ảm đạm của Pozaa Tea càng rõ nét hơn, nếu như đặt cạnh kết quả kinh doanh của đối thủ cạnh tranh Gong cha, thuộc Công ty TNHH Golden Trust.

Golden Trust thành lập vào trung tuần tháng 3/2011, hoạt động chính khi đó là dịch vụ tư vấn quản lý. Đến nay, doanh nghiệp có 2 cổ đông là bà Nguyễn Hoài Phương (SN 1983) và bà Điền Thiên Khánh Phượng (SN 1983), với tỷ lệ sở hữu lần lượt 75% và 25% trong số vốn 5 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu của Golden Trust ghi nhận từ mức 43,2 tỷ đồng, vọt lên 135,6 tỷ đồng vào năm 2018 và giảm còn 122,8 tỷ đồng năm 2019.

Biến động cùng chiều với doanh số, lợi nhuận của Golden Trust cũng ghi nhận sự trồi sụt, năm 2016 lãi 121 triệu đồng, tăng lên 745,8 triệu đồng năm 2018 và giảm xuống 699 triệu đồng vào cuối chu kỳ thống kê.

Tuy nhiên, nhìn chung biên lãi thuần của doanh nghiệp khá đuối, thấp nhất là 0,27% và cao nhất là 0,6%.

So sánh rộng hơn với các thương hiệu tên tuổi trên thị trường trà sữa, như The KOI Café, Phúc Long... thì cả hai thương hiệu kể trên tỏ ra khá nhỏ bé.

Những năm vừa qua, doanh thu của The KOI Café duy trì trên ngưỡng 200-240 tỷ đồng, còn ở Phúc Long là 450-780 tỷ đồng, cùng với đó là tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Lợi nhuận của các "ông lớn" này cũng vượt trội hơn, The KOI Café từng đạt đỉnh lãi với hơn 40 tỷ đồng, còn ở Phúc Long là 16 tỷ đồng...

Tin mới lên