Tiêu điểm

Trái chiều quan điểm về phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên

(VNF) - Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, mắc ca là loài cây mới nên cần phải đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi, giữa lúc đại diện Ngân hàng LienVietPostBank muốn các chính sách với mắc ca cần được "cởi trói" hơn nữa.

Trái chiều quan điểm về phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên

Theo TTXVN, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên mới đây đã có khuyến cáo về việc cần có thái độ thận trọng với việc phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên.

Cụ thể, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có 2.266ha cây mắcca, chiếm hơn 64% diện tích cây mắcca của cả nước. Sản lượng quả tươi thu hái được trong năm 2016 là 246 tấn, chiếm gần 91,5% sản lượng của cả nước.

Mắcca là loại cây mới được đưa vào trồng thử nghiệm ở Tây Nguyên, bước đầu cho thấy cây có thể sinh trưởng phát triển được ở một số vùng sinh thái, nhất là những vùng có khí hậu lạnh. Sau 5 đến 7 năm trồng, cây mắc ca đã cho năng suất, nên có triển vọng phát triển trên địa bàn Tây Nguyên. 

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đây là loài cây mới nên cần phải đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi. Công tác chọn giống, quy hoạch vùng trồng cho cây mắcca cần gắn với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cho người trồng.

Theo tiến sỹ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, mắcca là một loại cây trồng mới, cần phải có thêm nhiều nghiên cứu về đất đai, khí hậu, kỹ thuật, giống... nên người dân không nên trồng ồ ạt dễ gây ra nhiều hệ lụy.

Hiện nay, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã có 4 dòng mắcca gồm 246, 816, OC, 849 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Đây là những giống mắcca cho năng suất cao, kháng nhiều sâu bệnh hại... 

Thế nhưng, do chạy theo phong trào, nhiều đồng bào bất chấp khuyến cáo của các đơn vị chức năng ồ ạt mở rộng diện tích, đưa cây mắcca vào trồng ở những vùng đất, khí hậu không thích hợp.

Nghiêm trọng hơn, có hộ sử dụng các loại giống không rõ nguồn gốc, giống kém chất lượng nên cây phát triển nhưng không có cho quả, hoặc tỷ lệ đậu quả rất thấp. 

Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến năm 2020, tổng diện tích trồng cây mắcca tại các tỉnh Tây Nguyên là 6.490ha, trong đó trồng thuần chỉ có 550ha, diện tích còn lại 5.940ha trồng xen trong các vườn càphê, chè, gắn với xây dựng 6 cơ sở chế biến, với công suất từ 100 đến 200 tấn/năm/cơ sở.

Trong khi đó, khác với thái độ cẩn trọng của Ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng như của một số chuyên gia như tiến sỹ Trần Vinh, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Trưởng ban Chỉ đạo nghiệp vụ và truyền thông dự án phát triển mắc-ca Tây Nguyên lại bày tỏ thái độ lạc quan về loại cây này.

Phát biểu tại một hội nghị đầu năm nay, ông Hưởng cho biết trong thời gian qua LienVietPostBank và công ty Him Lam đã xúc tiến các thủ tục thành lập Hiệp hội mắc ca Việt Nam, tổ chức các đoàn thực tế trong nước và các nước hàng đầu về công nghiệp mắc ca như Úc, Trung Quốc, Nam Phi, Mỹ; tham gia Hiệp hội mắc ca Úc; thuê chuyên gia nước ngoài và trong nước tư vấn lập chiến lược phát triển; tài trợ nghiên cứu cây mắc ca; xây dựng quy chế cho vay liên quan; tổ chức công tác truyền thông về giá trị và tiềm năng phát triển của loại cây này…

Bảo cáo tại hội nghị này cũng cho biết, các đầu mối triển khai đề án đã thực hiện khảo sát ý kiến của các hộ dân tỉnh Lâm Đồng, với trên 1.000 phiếu điều tra, cho thấy có đến 48% tỷ lệ hộ dân sẵn sàng trồng mắc ca khi được hưởng các ưu đãi vay vốn, được hỗ trợ kỹ thuật, được bao tiêu sản phẩm và tham gia cổ phần vào công ty chế biến mắc ca của Him Lam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hưởng cũng cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thay đổi tư duy, xóa bỏ cơ chế "xin - cho", để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư.

"Đáng lẽ, với tư cách là đơn vị chủ quản, Bộ cần đi đầu trong việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển, hỗ trợ tín dụng và bao tiêu sản phẩm... Nhưng với mắc ca thì ngược lại, doanh nghiệp muốn đầu tư, ngân hàng muốn cho vay thì Bộ lại cản", ông Hưởng phát biểu.

Câu chuyện phát triển cây mắc ca tại Việt Nam vẫn tiếp tục gây tranh cãi trong vài năm trở lại đây.

Trong khi các doanh nghiệp, trong đó đứng đầu là Tập đoàn Him Lam và Ngân hàng LienVietPostBank muốn thúc đẩy phát triển loại cây công nghiệp được gọi là "cây tỷ đô" này, thì Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng một số chuyên gia lại cho rằng cần thận trọng, không nên mở rộng ồ ạt.

Tin mới lên