Tài chính

Trái phiếu doanh nghiệp năm 2021: Giảm lượng, nâng chất?

(VNF) - "Chúng tôi cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 sẽ hạ nhiệt so với năm 2020, tuy nhiên chất lượng trái phiếu sẽ được nâng cao", nhóm chuyên gia của VNDirect nhận định.

Trái phiếu doanh nghiệp năm 2021: Giảm lượng, nâng chất?

Trái phiếu doanh nghiệp năm 2021: Giảm lượng, nâng chất?

Số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect trong báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp công bố mới đây cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2021, đã có 22 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ 11.428 tỷ đồng, giảm tới 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Những doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong 2 tháng đầu năm là Công ty Cổ phần Phát triển Bất Động Sản Nhật Quang (2.150 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư Smart Dragon (1.900 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (1.500 tỷ đồng).

Trong khi đó, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng đạt 4.134 tỷ đồng, bao gồm các đợt phát hành từ Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Giao nhận Vận Tải Ngoại Thương, Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt, Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Hà Đô và Công ty Cổ phần Tập Đoàn Masan.

Như vậy, lũy kế 2 tháng, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 15.562 tỷ đồng, giảm 19,6% so với mức 19.347 tỷ đồng năm ngoái.

VNDirect cho rằng sự giảm nhiệt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những tháng qua chủ yếu do các thay đổi trong quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hướng siết chặt hơn.

Theo Nghị định 155/2020, chỉ có các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (các nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có chuyên môn về chứng khoán, ví dụ như ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quản lý quỹ, v.v; cá nhân nắm giữ danh mục đầu tư ít nhất 2 tỷ đồng hoặc cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất ít nhất 1 tỷ đồng) được quyền mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Do vậy, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu ra công chúng để tiếp cận thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư cá nhân trong năm 2021. Tuy nhiên điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng cũng đã được siết chặt trong quy định mới nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biết với đối tượng nhà đầu tư cá nhân.

"Chúng tôi cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 sẽ hạ nhiệt so với năm 2020, tuy nhiên chất lượng trái phiếu sẽ được nâng cao", nhóm chuyên gia của VNDirect nhận định.

Phân tích sâu trong báo cáo chuyên đề Nghị định 153 chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá đây là nghị định quan trọng trong chuỗi văn bản pháp lý liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực  từ ngày 1/1/2021, bởi phần lớn lượng trái phiếu phát hành trên thị trường là trái phiếu chào bán riêng lẻ.

VCBS cho rằng các điều khoản mới trong nghị định nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường. Đồng thời đảm bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật khi khái niệm nhà đầu tư chuyên nghiệp đã được quy định đầy đủ trong Luật Chứng khoán (2019) có hiệu lực đầu năm 2021. Thêm vào đó, việc quy định rõ về trách nhiệm cũng như quyền lợi của nhà đầu tư trái phiếu sẽ góp phần nhân cao nhận thức của nhà đầu tư với các sản phẩm.

Theo quan sát của VCBS, ngay trong các tháng đầu năm một số các tổ chức đã tiến hành hỗ trợ nhà đầu tư trong việc xác minh tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp. Theo đó, các quy định mới sẽ không tạo ra rào cản khiến các nhà đầu tư rời bỏ thị trường.

Bên cạnh đó, nghị định mới cũng hàm ý bổ sung các quyền lợi liên quan đến việc tiếp cận thông tin đối với nhà đầu tư trái phiếu.

Đáng chú ý, nghị định mới cho phép huy động trái phiếu thành nhiều đợt trong trường hợp chứng minh được nhu cầu sử dụng vốn và hồ sơ cập nhật tình hình sử dụng vốn từ các đợt phát hàng trước.

"Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp chứng minh được nhu cầu huy động vốn ở các thời điểm khác nhau có thể được phát hành trái phiếu thành nhiều đợt. Đây có thể được xem là thông tin tích cực với các doanh nghiệp tốt có nhu cầu huy động theo tiến độ nhất định", VCBS nhìn nhận.

Văn bản này cũng thể hiện sự ràng buộc mang tính pháp lý của doanh nghiệp phát hành với các cam kết về điều kiện chào bán trái phiếu nhằm giúp thị trường phát triển lành mạnh.

VCBS cũng cho hay, việc chỉ cho phép giao dịch trái phiếu giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ tạo ra rào cản đối với các đối tượng có nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và theo đó tạo ra động lực cho quá trỉnh “chuyên nghiêp hóa” và chọn lọc đối tượng nhà đầu tư trên thị trường. Đây tiếp tục được xem là biện pháp nhất quán của nhà lập pháp nhằm thiết lập sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng thời, Nghị định 153 đã loại bỏ điều kiện về tỷ lệ phát hành/vốn chủ sở hữu (đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành, bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành, không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Đây được xem là yếu tố thuận lợi cho tổ chức phát hành khi tổ chức có thể chào bán trái phiếu trong điều kiện chứng minh đáp ứng đủ các điều kiện chào bán.

Ngoài ra, nghị định mới cũng đẩy mạnh minh bạch thông tin, lành mạnh hóa thị trường, tuy vậy cũng tạo điều kiện linh hoạt hơn cho nhà phát hành như doanh nghiệp chỉ cần công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu 1 ngày làm việc, công bố kết quả chào bán trái phiếu trong thời hạn 10 ngày kể từ khi hoàn thành đợt chào bán...

"Có thể thấy các quy định mới có hiệu lực từ năm 2021 đã tạo ra sự thay đổi đáng kể về khung pháp lý với các hình thức chào bán trái phiếu. Theo đó, các thành viên trên thị trường sẽ cần khoảng thời gian để thích nghi với các quy định mới kéo theo sự trầm lắng nhất định trong những tháng đầu năm 2021", nhóm chuyên gia của VCBS lưu ý.

Bên cạnh ảnh hưởng của Nghị định 153, trong báo cáo thị trường trái phiếu công bố gần đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) còn đề cập đến một thay đổi pháp lý khác dự kiến cũng sẽ ảnh hưởng đến lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, điều kiện để các ngân hàng thương mại tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có thể bị siết chặt khi Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD) mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, TCTD không được mua trái phiếu của tổ chức phát hành có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các TCTD); không được mua lại trái phiếu đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho các công ty con.

Tin mới lên