Tài chính

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn sáng

Dự kiến trong năm 2021, thị trường thứ cấp giao dịch trái phiếu riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ ra đời.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ “hạ nhiệt” trong quý IV/2020, nhưng về tổng quan, 2020 là năm bùng nổ, ghi nhận khối lượng phát hành tăng mạnh và chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều so với phát hành trái phiếu ra công chúng.

Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong năm 2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 437.689 tỷ đồng, tăng 38,8% so với mức 315.441 tỷ đồng năm 2019.

Trong đó, giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 403.468 tỷ đồng, tăng 36%; phát hành ra công chúng đạt 34.221 tỷ đồng, tăng 82,7%. Số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu tập trung ở nhóm ngân hàng, bất động sản, sản xuất.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, năm 2021, trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng.

Hiện hành lang pháp lý về thị trường vốn cơ bản đã hoàn thiện, thị trường trái phiếu ngày càng mở rộng về quy mô và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Trong tháng 1/2020, VCBS đã tư vấn phát hành và đại lý phân phối thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu cho Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (THACO).

Thực tế, Nghị định 81/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/9/2020 phần nào giới hạn quy mô phát hành khi quy định dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng, doanh nghiệp phải ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu…

Tuy nhiên, các quy định trên đã bị bãi bỏ bởi Nghị định 153/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Nghị định chỉ yêu cầu doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty TNHH; thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp; đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành; có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận; có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động trở lại trong năm 2021, nhờ một số vướng mắc, bất cập tại Nghị định 81/2020/NĐ-CP được tháo gỡ.

Một quy định mới tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP là đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Cụ thể, trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được phát hành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và không cần được cấp phép.

Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về các rủi ro. Doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp khi có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Tại hội thảo phổ biến các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp do Bộ Tài chính tổ chức ở TP.HCM ngày 26/1/2021, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính chia sẻ, với việc hoàn thiện khung pháp lý thông qua Nghị định 153/2020/NĐ-CP, dự kiến trong năm 2021, thị trường thứ cấp giao dịch trái phiếu riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ ra đời.

Ông Dương cho biết, để tăng tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cũng như giúp thị trường có thông tin về giao dịch trái phiếu sau khi phát hành, Nghị định 153/2020/NĐ-CP có quy định về việc tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Bộ Tài chính được giao hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Hiện Bộ đã giao cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội là đơn vị xây dựng mô hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp, phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam.

Xem thêm: Huy động hơn 400 nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu doanh nghiệp

Tin mới lên