Tài chính

Trái phiếu năng lượng sạch đắt hàng

Năng lượng đã lọt tốp nhóm ngành phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trong nửa đầu năm 2020, với kỳ hạn bình quân tương đối dài.

Trái phiếu năng lượng sạch đắt hàng

Ảnh minh họa

Dữ liệu thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Finnpro và Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) cho thấy, trong tổng số 171.000 tỷ đồng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành thì năng lượng là lĩnh vực đóng góp 4%.

Lãi suất sơ cấp bình quân của trái phiếu nhóm năng lượng là 10,3%/năm, chỉ sau nhóm bất động sản với 10,6%/năm.

Tỷ lệ phát hành thành công đạt 92%, cao hơn mức 88% của các ngành dịch vụ tài chính khác; kỳ hạn bình quân dài nhất với 7,2 năm. Giá trị phát hành mới tăng mạnh, chủ yếu tập trung vào quý II/2020.

Đáng chú ý trong số này là hệ thống Trung Nam huy động tới 4.500 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm, với tổ chức tư vấn phát hành là MBS. Năng lượng Hồng Phong 2 huy động 1.600 tỷ đồng, kỳ hạn 6 năm, lãi suất 10%/năm cũng do MBS tư vấn. Hay Ea Súp 5 phát hành 1.140 tỷ đồng, lãi suất 11,3%/năm, kỳ hạn 18 tháng đến 9 năm, do SSI tư vấn.

Trong tháng 8 vừa qua, Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 đã phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu, với lãi suất 10%/năm, kỳ hạn 3 năm. TVSI là đơn vị tư vấn.

Các dự án năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió) đang được chính phủ khuyến khích đầu tư, từ giá mua điện hấp dẫn (7,09 - 9,35 cent/kWh), ưu đãi thuế (miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo) và nhiều cơ chế ưu đãi khác. Trong khi đó, suất đầu tư tính trên 1 MW điện ngày càng giảm đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các nguồn năng lượng sạch.

Với lợi thế dòng tiền hoạt động ổn định, chi phí vận hành và bảo dưỡng thấp, hiệu quả kinh tế cao, trái phiếu của các doanh nghiệp năng lượng sạch có độ rủi ro thấp hơn hẳn những trái phiếu trong các lĩnh vực khác như bất động sản, xây dựng… trong khi vẫn có mức lãi suất (coupon) đủ hấp dẫn các nhà đầu tư.

Các trái phiếu năng lượng sạch có kỳ hạn tương đối dài, trung bình là 7,2 năm và đa số là phát hành riêng lẻ, tức không được bán cho quá 100 nhà đầu tư trong năm đầu tiên theo quy định hiện hành.

Tuy vậy, từ năm thứ hai trở đi, các trái phiếu này sẽ được mua bán quá 100 nhà đầu tư, do đó, không có sự khác biệt trong việc mua, bán, chuyển nhượng và luân chuyển tiền của các nhà đầu tư trái phiếu năng lượng sạch so với các trái phiếu khác như bất động sản (thường có kỳ hạn khoảng 2 - 3 năm).

Thậm chí, với rủi ro thấp, lãi suất hấp dẫn, tính thanh khoản của trái phiếu năng lượng sạch còn tốt hơn một số trái phiếu bất động sản, việc nhà đầu tư mua, bán trái phiếu năng lượng sạch từ năm thứ 2 trở đi sẽ dễ dàng hơn và phù hợp với hầu hết các nhà đầu tư ngắn hạn và dài hạn.

Nếu như trước đây, các ngân hàng đóng vai trò bên mua trái phiếu doanh nghiệp, tập trung lớn ở nhóm doanh nghiệp bất động sản, thì nay, khi có thêm các tổ chức phát hành là doanh nghiệp năng lượng, thị trường trái phiếu đã thu hút nhiều tổ chức tài chính ngoài ngân hàng tham gia.

Dù các trái phiếu năng lượng sạch thường có độ rủi ro thấp, nhưng theo giám đốc dịch vụ ngân hàng đầu tư của một số công ty chứng khoán lớn, không phải mọi trái phiếu đều tốt như nhau. Ngoài yếu tố lãi suất, nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu kỹ một số điều kiện, điều khoản để tránh rủi ro:

Thứ nhất, kiểm tra quy mô, công suất, doanh thu, dòng tiền dự kiến của dự án có đủ đảm bảo các nghĩa vụ nợ của dự án (bao gồm cả các trái phiếu của tổ chức phát hành dựa trên dự án). Để tránh trường hợp tổ chức phát hành vay nợ quá khả năng chi trả.

Thứ hai, trong trường hợp dự án chưa đi vào hoạt động và vận hành thương mại, cần lưu ý tình trạng pháp lý của dự án, như dự án đã có giấy phép chấp thuận đầu tư, giấy phép hoạt động điện lực, quyết định giao đất chưa? Doanh nghiệp có đạt thỏa thuận thiết kế cơ sở, thỏa thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện với EVN hay chưa?

Thứ ba, quy hoạch lưới điện của dự án có rủi ro nào không? Đường dây đấu nối, truyền tải có bị hạn chế hay quá tải không?

Thứ tư, rủi ro hoạt động của dự án có cao không? Dự án nằm trong vùng khí hậu thuận lợi hay bất lợi? Phương án kinh doanh của tổ chức phát hành có hợp lý với điều kiện thực tế không?

Thứ năm, tổ chức tư vấn phát hành có uy tín không? Hoạt động công bố thông tin có minh bạch không?

Để tránh rủi ro, nhà đầu tư cũng nên tham khảo thông tin từ các chuyên gia tư vấn, chuyên gia tài chính và chọn những tổ chức tư vấn uy tín.

Tin mới lên