Tiêu điểm

Tránh thất thoát tài sản vào túi riêng những người có quyền

(VNF) - Các tổ chức, cá nhân trong dự Luật Phòng chống tham nhũng có sự huy động, đóng góp tiền và tài sản của xã hội rất lớn, mặc dù không phải từ ngân sách nhưng suy cho cùng cũng là nguồn của dân, nên phải sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát vào túi riêng của những người có quyền.

Tránh thất thoát tài sản vào túi riêng những người có quyền

Sáng nay (25/10), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh sự cần thiết mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước bởi thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

Mua chuộc quan chức, hối lộ vì trục lợi

Đồng tình quan điểm này,  đại biểu Phạm Văn Hoà – Đồng Tháp cũng cho rằng nạn tham nhũng đã và đang lan toả ngoài khu vực nhà nước, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.

Hành vi tham nhũng khu vực tư nhân gây ra ảnh hưởng rất lớn tới xã hội, điển hình như các hành vi trục lợi đầu tư, mua chuộc quan chức, đưa và nhận hối lộ vì trục lợi mà không phải phục vụ cho lợi ích xã hội.

Theo ông Hoà, các tổ chức, cá nhân trong dự Luật có sự huy động, đóng góp tiền và tài sản của xã hội rất lớn, mặc dù không phải từ ngân sách nhưng suy cho cùng cũng là nguồn của dân, nên phải sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát vào túi riêng của những người có quyền.

Ông Hoà cũng cho rằng cần có cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp hơn trong kiểm soát tài sản, thu nhập. Bởi một nhiệm vụ rất lớn, rất nặng nề mà chỉ giao cho cơ quan thanh tra hay các cơ quan khác sẽ gặp nhiều khó khăn, thiếu chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Về đối tượng kê khai tài sản, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai, tài sản thu nhập hàng năm, còn các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập.

Về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được nguồn gốc, ông Hoà đồng tình phương án thu thuế thu nhập cá nhân, đồng thời sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế.

Tuy nhiên, ông Hoà nhấn mạnh việc thu thuế không loại trừ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản của người có nghĩa vụ kê khai nếu sau đó nhà nước chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có.

Trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng tình với quyết định thu thuế thì họ cũng có thể khiếu nại ra toà hành chính để giải quyết. “Phương án này xử lý nhanh, kịp thời, không tạo ra tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý qua con đường toà án” – ông Hoà nêu ý kiến.

Không thể giao tài sản không rõ nguồn gốc cho toà án quyết định

Không đồng tình với đại biểu Phạm Văn Hoà về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) lại cho rằng nhiệm vụ này nên giao cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ ngành thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập cá nhân để không làm tăng thêm biên chế, không phát sinh nhiều cơ quan quản lý...

Về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, ông Phương đề nghị Quốc hội phải xem xét thật kỹ lưỡng và không thể đồng tình với phương án xử lý tài sản tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc phải chuyển qua tòa án.

“Thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì không thể có chứng cứ, cơ sở pháp lý để quy tội và không thể chuyển cho tòa án xét xử. Thực tế nhiều vụ án phạm tội nhận hối lộ, người ta khai ông A đưa cho ông B nhưng tòa không thể kết tội vì không có căn cứ” – ông Phương nói.

Thêm vào đó, theo vị đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, tài sản thực tế là của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản đó là do vi phạm pháp luật mà có nhưng lại giao cho tòa xử lý để thu hồi thì có thể sẽ vi phạm Hiến pháp.

Theo ông Phương, không chứng minh được vi phạm mà thu hồi thì khó thực thi. Và khi tới quy trình thi hành án hoặc hoặc cưỡng chế chắc chắn sẽ phát sinh những xung đột khó lường, làm bất an trong xã hội, gây ra sự phản kháng, kháng cự chống lại.

Ngoài ra, nếu không có căn cứ pháp lý mà chuyển cho tòa án sẽ làm khó cho tòa án, vì kết luận đúng, sai không có cơ sở, việc này sẽ dễ làm phát sinh tiêu cực, làm mất cán bộ, làm mất niềm tin của người dân, chưa nói tới làm tăng số lượng vụ án, tăng thời gian xét xử, đòi hỏi tăng biên chế cho tòa án.

Ông Phương cũng đồng tình với quy định, trường hợp tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc mà các cơ quan tố tụng không chứng minh được tài sản do hành vi phạm tội mà có thì chuyển cơ quan thuế để thu thuế.

Tin mới lên