Diễn đàn VNF

‘Trên bảo dưới không nghe là thách thức lớn nhất của tái cơ cấu kinh tế'

(VNF) - Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cho rằng “trên bảo dưới không nghe” là thách thức lớn nhất của quá trình tái cơ cấu kinh tế. Ông Cung cũng nói thêm, “lâu nay ở ta có tình trạng người nào làm tốt người ấy thiệt, nên ko ai làm tốt cả”.

‘Trên bảo dưới không nghe là thách thức lớn nhất của tái cơ cấu kinh tế'

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung thừa nhận “trên bảo dưới không nghe” là thách thức lớn nhất của quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Hội thảo tham vấn “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020” do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu như ông Nguyễn Đình Cung, ông Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan, ông Cấn Văn Lực…

Tại đây, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp cho 3 năm còn lại của tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020. Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn chuyển mình từ nền kinh tế tăng trưởng về lượng thiếu ổn định, dễ bị tổn thương và kém hiệu quả, sang nền kinh tế tăng trưởng về chất, có sức cạnh tranh cao nhờ vào hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Trong giai đoạn 2016 đến giữa năm 2018, mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng phục hồi đạt mức tương đối cao, chất lượng tăng trưởng có cải thiện nhưng theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, cách thức phân bổ nguồn lực chưa thay đổi, nguồn lực về cơ bản chưa được phân bổ lại theo hướng nâng cao hiệu quả.

“Các dòng chảy lớn chuyển dịch chậm như chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ; nông thôn sang thành thị; Nhà nước sang tư nhân và chính thức sang phi chính thức. Ngay cả sản xuất công nghiệp chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Giá trị gia tăng trong ngành chế biến chế tạo rất thấp so với hầu hết các quốc gia trong khu vực, phần lớn chỉ ở khâu lắp ráp”, ông Cung thay mặt nhóm nghiên cứu của CIEM trình bày kết quả nghiên cứu.

"Trên bảo dưới không nghe là thách thức lớn nhất của tái cơ cấu"

Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, hạn chế hiện nay của Việt Nam xếp theo thứ tự là quan liêu và tham nhũng, thủ tục hành chính, tính minh bạch và nhất quán trong chính sách, cuối cùng là cơ sở hạ tầng và năng suất lao động.

Đồng quan điểm với ông Cấn Văn Lực, PGS. TS Vũ Sỹ Cương (Học viện Tài chính) cho biết chỉ số công khai về ngân sách nhà nước của các tỉnh hiện nay rất thấp. Theo ông Cương “nhiều tỉnh không minh bạch dù Luật Ngân sách đã quy định. Điều đó cho thấy kỷ cương phép nước có vấn đề”.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung thừa nhận “trên bảo dưới không nghe” là thách thức lớn nhất của quá trình tái cơ cấu kinh tế. Ông Cung cũng nói thêm, lâu nay ở ta có tình trạng “ người nào làm tốt người ấy thiệt, nên ko ai làm tốt cả”.

Theo ông Cung, để tăng cường chất lượng thực của nền kinh tế thì trước tiên phải tăng quy mô và mức độ cạnh tranh. Trong đó, vấn đề cốt lõi là cạnh tranh công bằng trên nguyên tắc thị trường.

Viện trưởng CIEM cho biết vấn đề trên đang được thực hiện, tuy nhiên chúng ta mới chỉ tăng cường cạnh tranh trong thị trường hàng hóa và dịch vụ, còn thị trường nhân tố sản xuất thì chưa động tới.

Thị trường nhân tố sản xuất bao gồm: thị trường tài chính (thị trường vốn, thị trường tín dụng), thị trường quyền sử dụng đất; thực hiện phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước theo quy tắc và quy luật thị trường.

Các chuyên gia tại hội thảo cũng nhất trí rằng thị trường nhân tố sản xuất là rất quan trọng để tạo ra sự cạnh tranh trong việc phân bố nguồn lực, tiếp cận nguồn lực một cách công bằng. Nếu không có cạnh tranh trong thị trường nhân tố sản xuất thì việc phân bổ/ tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp hoàn toàn là xin – cho, bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, bởi sân sau- sân trước.

“Nếu thị trường này không có cạnh tranh thì đừng hy vọng vào việc phát triển khoa học công nghê, nâng cao năng suất lao động và chất lượng thực của nền kinh tế”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cung: “Các mối quan hệ xin – cho sẽ đẩy khoa học công nghệ ra khỏi doanh nghiệp. Doanh nghiệp lúc đó ko có động lực áp dụng khoa học công nghệ, tìm kiếm thách thức để cải thiện năng lực cạnh tranh mà chỉ lo đi tìm kiếm mối quan hệ để kinh doanh, kiếm lợi”.

Viện trưởng CIEM cho rằng chúng ta đang nói nhiều đến cách mạng công nghệ 4.0, muốn xây dựng mạng lưới những người Việt Nam làm công nghệ trên thế giới nhưng “không thể bước vào cách mạng 4.0 với tư duy hiện nay”.

Ông Cung khẳng định muốn phát triển kinh tế dựa vào khoa học công nghệ thì chúng ta phải nhìn vào tiềm lực trong nước, ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh…chứ không phải ở Silicon Valley. “Ở đây mà làm tốt, mà biết khai thác hết các nguồn lực thì những người giỏi sẽ về”.

Cần “hỗ trợ người thắng cuộc chứ không phải phổ cập người thắng cuộc”

Theo các chuyên gia, cải cách thị trường nhân tố sản xuất là trọng tâm trong tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, muốn cải cách thị trường này thì trước tiên phải cải cách vai trò và chức năng của nhà nước.

“Cái này mới khó”, ông Nguyễn Đình Cung nói. Theo ông Cung, “trước đây, nhà nước chỉ cần thu hẹp chứ chưa cần thay đổi thì thị trường đã xuất hiện. Nhưng bây giờ, thị trường loại này cần nhà nước không chỉ thu hẹp mà phải thay đổi”.

Các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn mới, vai trò của nhà nước là “hỗ trợ người thắng cuộc chứ không phải phổ cập người thắng cuộc”.

Các chuyên gia gợi ý nhà nước nên tìm cách hỗ trợ những doanh nghiệp có trình độ quản trị tốt, có dự án tốt, có xuất khẩu…Còn những doanh nghiệp đã thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng thì thôi. Trước hết, nhà nước nên bằng cách tháo bỏ rào cản gia nhập thị trường, những chính sách bất hợp lý.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, các chuyên gia cho rằng chính phủ nên để họ tự chủ, chỉ nên quản lý các đơn vị này thông qua kết quả chứ không nên quản họ làm gì, làm thế nào.

“Sau thất bại của các loại Vina, chúng ta có thiên hướng can thiệp hành chính vào các công ty nhà nước. Tuy nhiên, thay bằng can thiệp, chính phủ nên giao cho ủy ban quản lý vốn nhà nước và các công ty nhà nước những nhiệm vụ đủ khó để chỉ những người tài mới có thể hoàn thành được, chứ không phải những nhiệm vụ dễ để bất cứ ai cũng làm được rồi hưởng bổng lộc. Phải loại bỏ các loại “C” được bổ nhiệm vào quản lý doanh nghiệp nhà nước”, ông Nguyễn Đình Cung đề xuất.

Nói về việc thay đổi vai trò và chức năng của nhà nước, TS Cấn Văn Lực cho rằng “khi chậm ban hành không sửa đổi chính sách thì thiệt hại thế nào, đây chính là cản trở tái cơ cấu”. Ông Lực cũng có rằng chúng ta đang mất quá nhiều cho chi phí cơ hội.

Để đánh giá hiệu quả thực chất của tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, TS Cấn Văn Lực đề xuất xây dựng “bộ tiêu chí đánh giá tái cơ cấu, bao gồm cả tiến độ, số lượng, chất lượng, hiệu quả và có tổ chức độc lập đánh giá”.

“Sau khi tái cơ cấu rồi năng lực chống chọi với cú sốc bên ngoài thế nào, và cuối cùng là tái cơ cấu nên xem xét trong hội nhập, trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết", ông Lực nhấn mạnh.

Tin mới lên