Ngân hàng

Trích lập dự phòng ngân hàng: Những câu chuyện phía sau

(VNF) – Trích lập dự phòng, trong nhiều trường hợp khiến các ngân hàng phải "méo mặt", nhưng trong nhiều trường hợp đang trở thành công cụ để các ngân hàng tăng, giảm lợi nhuận một cách có chủ đích.

Trích lập dự phòng ngân hàng: Những câu chuyện phía sau

Nhiều câu chuyện phía sau việc ngân hàng trích lập dự phòng

Trích lập dự phòng "làm đẹp" lợi nhuận

Câu chuyện trích lập dự phòng là câu chuyện muôn thủa của các ngân hàng. Mặc dù đã có quy định chi tiết về phân loại nợ, tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ theo Thông tư 02 và Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước nhưng các ngân hàng vẫn rất "uyển chuyển" trong việc trích lập dự phòng nhằm đạt được mục tiêu về lợi nhuận.

9 tháng đầu năm 2016, Vietcombank báo lãi trước thuế 6.326 tỷ đồng, tăng tới 36% so với cùng kỳ năm 2015. Thành quả này ngoài việc đến từ sự khởi sắc trong kinh doanh, còn có nguyên nhân quan trọng do ngân hàng này giảm mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng, từ mức 50% trong 9 tháng đầu năm 2015 xuống còn 42% trong 9 tháng đầu năm 2016.

Câu chuyện về cải thiện lợi nhuận nhờ giảm trích lập dự phòng cũng xảy ra với MBBank, ACB và 2 "hiện tượng ngân hàng" là Techcombank và LienVietPostBank. Nhưng đằng sau ấy lại là những câu chuyện khác nhau.

9 tháng đầu năm 2016, MBBank ghi nhận mức lợi nhuận thuần 3.916 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ 2015. Tuy nhiên, ngân hàng này bỗng thoát cảnh tăng trưởng lợi nhuận âm nhờ giảm mạnh mức trích lập dự phòng từ 40% xuống 29%, lợi nhuận trước thuế của MBBank theo đó mà tăng 9,2%, đạt mức 2.788 tỷ đồng.

Câu chuyện của ACB gần giống với MBBank. Nếu không giảm trích lập dự phòng từ mức 43% trong 9 tháng đầu năm 2015 xuống mức 31% trong 9 tháng đầu năm 2016, lãi trước thuế của ACB đã không thể tăng 14% mà phải giảm ít nhất 5,4% tương tự như mức giảm của lợi nhuận thuần.

Ngân hàng trích lập dự phòng bao nhiêu?

Biểu đồ tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần của 11 ngân hàng tiêu biểu

Còn chuyện của Techcombank thì có phần khác. Lợi nhuận thuần của ngân hàng này 9 tháng đầu năm 2016 vẫn tăng tới 34%, nhưng với mức trích lập dự phòng "chỉ" 51%, thấp hơn nhiều mức 64% cùng kỳ năm ngoái, lãi sau thuế của Techcombank tăng tới 85%.

Thực ra, nửa đầu năm 2016, Techcombank vẫn trích lập dự phòng ở mức 61%, gần bằng con số năm 2015. Tuy nhiên, riêng trong quý III/2016, ngân hàng này bỗng giảm mạnh tỷ lệ trích lập xuống còn vỏn vẹn 26%, khiến lợi nhuận tăng vọt.

Tương tự như Techcombank, lợi nhuận thuần 9 tháng đầu năm 2016 của LienVietPostBank tăng mạnh 66% so với cùng kỳ 2015, nhưng vì ngân hàng này giảm trích lập dự phòng từ mức 54% xuống còn 30% nên lãi trước thuế đạt mức 865 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Còn nhớ hồi đầu năm, LienVietPostBank bỗng đặt ra kế hoạch lợi nhuận "trong mơ" ở mức 915 tỷ đồng, gấp đôi năm 2015, bất chấp ngân hàng này vẫn đang bị vướng trần tín dụng. Tuy nhiên, với "chiêu bài" giảm trích lập dự phòng, ngân hàng này đã rộng đường hoàn thành kế hoạch "trong mơ" đó.

Ngân hàng trích lập dự phòng trường hợp của Sacombank

Sacombank là ngân hàng duy nhất hoàn nhập dự phòng trong quý III/2016

Sacombank có lẽ là cái tên đặc biệt nhất trong vấn đề trích lập dự phòng. Quý III/2016, Sacombank trở thành ngân hàng duy nhất hoàn nhập dự phòng với con số hoàn nhập 54 tỷ đồng. Việc Sacombank đã trích lập dự phòng khá nhiều trong quý I, quý II/2016 và đặc biệt là quý IV/2015 (giai đoạn ngay sau khi sáp nhập Southern Bank) là một trong những nguyên nhân lý giải động thái ngân hàng này hoàn nhập dự phòng trong quý III/2016. Nhưng nguyên nhân đó dường như không phải cốt yếu.

Theo ước tính của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), nợ xấu sổ sách của Sacombank hiện chỉ chiếm khoảng 39% tổng nợ xấu thực tế trên sổ sách thời điểm kết thúc quý II/2016, đó là còn chưa kể đến một lượng lớn nợ xấu được giấu trong các khoản phải thu và lãi dự thu.

Điều này đồng nghĩa với việc Sacombank vẫn cần phải trích lập dự phòng không ít hàng kỳ, vì vậy nên việc ngân hàng này hoàn nhập dự phòng trong quý III/2016 phần nhiều mang tính chất tình thế nhằm cải thiện lợi nhuận thuần vốn đã quá ít, chỉ ở mức 132 tỷ đồng, giảm 86% so với quý III/2015.

Đến chuyện "méo mặt" vì trích lập dự phòng

Theo báo cáo tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, chi phí dự phòng rủi ro tại các tổ chức tín dụng Việt Nam đang chiếm tới 65% lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro. Nếu đối chiếu lên các con số phía trên, rõ ràng phải có những ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng.

Tiêu biểu nhất là 2 trường hợp của BIDV và Eximbank. Trong khi tỷ lệ trích lập dự phòng tăng mạnh từ mức 42% trong 9 tháng đầu năm 2015, lên mức 55% trong 9 tháng đầu năm 2016 thì của Eximbank tăng từ mức 42% lên mức 82%. Đây là điều dễ hiểu bởi BIDV hiện đang là ngân hàng có tổng nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần, trong khi Eximbank cũng là "quán quân" nợ xấu nếu xét về tỷ lệ.

Hệ quả là lãi sau thuế 9 tháng đầu năm 2016 của BIDV chỉ đạt mức 5.757 tỷ đồng, thấp nhất trong số "tam trụ" ngành ngân hàng, dù ngân hàng này có lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng cao nhất. Eximbank thì bi đát hơn, khi lãi trước thuế 9 tháng đầu 2016 chỉ vỏn vẹn có 202 tỷ đồng, giảm tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng trích lập dự phòng trường hợp của Eximbank

Eximbank "méo mặt" vì trích lập dự phòng

Kienlongbank và VietABank cũng là "nạn nhân" của việc gia tăng trích lập dự phòng. Tính riêng trong quý III/2016, Kienlongbank trở thành ngân hàng đầu tiên báo lỗ do trích lập dự phòng vượt quá cả lợi nhuận thuần. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2016, do tăng mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng từ mức 26% cùng kỳ 2015 lên mức 80% nên lãi trước thuế của Kienlongbank đã giảm tới 89%, đạt mức 19,8 tỷ đồng.

Không đến mức lỗ như VietABank, nhưng quý III/2016, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng này cũng chiếm tới 91% lợi nhuận thuần, kéo lợi nhuận trước thuế về mức chỉ 7,1 tỷ đồng, bằng 1/3 con số quý III/2015. Tuy nhiên, do 2 quý trước kinh doanh rất khả quan nên dù tỷ lệ trích lập dự phòng tăng khá mạnh, từ mức 56% lên mức 67%, nhưng lãi sau thuế 9 tháng đầu năm 2016 của VietABank vẫn đạt 100 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn trường hợp của SHB và TPBank có mức tăng trích lập dự phòng không nhanh và tỷ lệ trích lập cũng không lớn. Xét về SHB, tỷ lệ trích lập dự phòng của ngân hàng này tăng từ mức 35% 9 tháng đầu năm 2015 lên mức 38% 9 tháng đầu năm 2016, còn của TPBank tăng từ mức 22% lên mức 33%.

Tuy nhiên, tính riêng trong quý III/2016, tỷ lệ trích lập dự phòng của SHB lại tăng vọt lên mức 48%, trong khi của TPBank lại giảm về mức 22%.

VietinBank cũng nằm trong danh sách tăng trích lập dự phòng, nhưng không đáng kể, chỉ tăng từ mức 40% lên mức 43%. Tính riêng trong quý III/2016, tỷ lệ trích lập dự phòng có phần gia tăng mạnh hơn, đạt mức 47%. Mặc dù vây, VietinBank vẫn là quán quân lợi nhuận trong số các ngân hàng thương mại cổ phần với mức lợi nhuận trước thuế 6.485 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2016.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều cái tên ngân hàng chưa được nhắc tới. Tuy nhiên, những câu chuyện tăng, giảm trích lập dự phòng trên đây cũng cho thấy phần nào việc trích lập dự phòng, trong nhiều trường hợp khiến ngân hàng phải chao đảo, nhưng trong nhiều trường hợp lại trở thành công cụ được các ngân hàng sử dụng một cách có chủ đích.

Tin mới lên