Tài chính quốc tế

Triển vọng khó đoán của thị trường dầu mỏ sau các cú sốc liên tiếp

IEA dự báo vào cuối năm 2022, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới sẽ tăng vượt mức so với trước khi bùng phát đại dịch Covid-19, tuy nhiên sự phục hồi này được dự báo sẽ diễn ra không đồng đều.

Triển vọng khó đoán của thị trường dầu mỏ sau các cú sốc liên tiếp

Biểu tượng nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại trụ sở ở Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhu cầu dầu thế giới chỉ mới phục hồi trở lại sau tác động của đại dịch Covid-19 và triển vọng được đánh giá chưa thực sự vững. Tuy nhiên, giờ đây thị trường “vàng đen” lại chịu một cú sốc mới, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, không thể đạt được sự đồng thuận trong chính sách sản lượng và thậm chí còn đứng trước nguy cơ tan rã.

Điều này khiến triển vọng giá dầu trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.

Sự phục hồi không đồng đều

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) mới đây dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới sẽ tăng vượt mức so với trước khi bùng phát đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2022 - thời điểm hoạt động kinh tế tại nhiều nước khôi phục trạng thái bình thường nhờ mở rộng chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19. Nhưng sự phục hồi này được dự báo sẽ diễn ra không đồng đều.

Trong báo cáo đầu tiên dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trong một năm tới, IEA cho biết, hoạt động kinh tế tại các nước bị đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch đã khiến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trong năm 2020 sụt giảm ở mức kỷ lục là 8,6 triệu thùng/ngày.

IAE dự báo nhu cầu dầu mỏ trong vòng hai năm tới sẽ dần hồi phục. Cụ thể, nhu cầu có thể tăng thêm 5,4 triệu thùng/ngày vào năm 2021 và thêm 3,1 triệu thùng/ngày vào năm 2022.

Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo sự phục hồi sẽ không đồng đều giữa các vùng miền và các ngành, sản phẩm.

Báo cáo chỉ rõ nhu cầu sẽ tăng nhanh và mạnh hơn ở những nước giàu vốn được tiếp cận vaccine sớm hơn. Trong khi đó, một số ngành sẽ cần thêm nhiều thời gian để phục hồi như ngành hàng không khi nhiều nước vẫn thực hiện lệnh hạn chế đi lại và có nhiều người vẫn làm việc từ xa, thay vì phải đến công sở để phòng tránh dịch bệnh.

Theo IEA, ngành hàng không chỉ có thể khôi phục trạng thái bình thường khi phần lớn các nước đạt miễn dịch cộng đồng. Nhưng IEA dự báo điều này có thể không thể đạt được cho đến cuối năm 2022.

Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs dự đoán giá dầu thô Brent sẽ đạt 80 USD/thùng vào mùa Hè này khi việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 thúc đẩy hoạt động kinh tế toàn cầu.

Dữ liệu khác cho thấy lưu lượng giao thông đường bộ đã trở lại mức trước đại dịch ở Bắc Mỹ và hầu hết các nước châu Âu. Ngay cả thị trường nhiên liệu máy bay cũng đang cho thấy tín hiệu cải thiện, với số chuyến bay ở châu Âu tăng 17% trong 2 tuần qua.

Tại Mỹ, người dân bước vào kỳ nghỉ lễ ngày 4/7 với mức giá xăng cao nhất trong vòng bảy năm, khiến những quan ngại về ảnh hưởng của lạm phát đối với nền kinh tế ngày một gia tăng.

Sau gần ba năm, giá dầu tại Mỹ lần đầu tiên tăng lên trên ngưỡng 75 USD/thùng vào ngày 1/7, đánh dấu sự phục hồi đáng kể từ tháng 4/2020, khi giá “vàng đen” giảm xuống ngưỡng âm.

Sự phục hồi này được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu xăng và nhiên liệu máy bay tăng cao, trong khi các biện pháp hạn chế di chuyển cũng được nới lỏng nhờ những dấu hiệu dịu đi của đại dịch.

Kinh tế Mỹ phục hồi và nước Mỹ đang dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế được áp đặt trong tháng Tư và tháng Năm, khiến nhiều thị trường bất ngờ.

Theo Our World in Data, tỷ lệ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 tại Mỹ tương đối cao; đây là một phần nguyên nhân lớn thúc đẩy Mỹ mở cửa trở lại.

Tính đến ngày 3/7, hơn một nửa dân số Mỹ, tương đương 54,45%, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19.

Cú sốc từ sự chia rẽ trong nội bộ OPEC+

Ngân hàng Goldman Sachs ngày 6/7 cho biết, việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, hủy các cuộc đàm phán về kế hoạch sản xuất đã dẫn tới sự không chắc chắn về triển vọng sản lượng của khối này.

OPEC+ đã đình chỉ cuộc họp vào ngày 5/7 và không ấn định thời hạn nối lại đàm phán, sau khi Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) từ chối một đề xuất gia hạn chương trình kiềm chế sản lượng thêm tám tháng.

Một nhà máy lọc dầu trên đảo Khark, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình trạng bế tắc đó đã đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong nhiều năm vào ngày 6/7.

Goldman Sachs đánh giá các bên vẫn có thể vượt qua sự khác biệt khi họ đồng ý tăng sản lượng vào cuối năm. Nhưng triển vọng không chắc chắn năm 2022 vẫn ở mức cao, khiến việc đưa ra bất cứ cam kết dài hạn nào trong hiện tại là không cần thiết.

Goldman Sachs vẫn duy trì kỳ vọng OPEC+ sẽ nâng dần sản lượng trong nửa cuối năm nay, sau đó là một giai đoạn tăng tương tự trong quý đầu tiên của năm 2022 để cuối cùng có thể chấm dứt tình trạng suy giảm dự trữ.

Goldman Sachs nói thêm mặc dù mối nguy về một "cuộc chiến" giá dầu mới của OPEC+ vẫn khá lớn, song những tác động tiêu cực đối với giá dầu của mối nguy như vậy sẽ giảm bớt do thị trường toàn cầu bắt đầu thiếu hụt 2,5 triệu thùng dầu/ngày và cần sản xuất thêm 5 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.

Trong khi đó, ngân hàng Barclays của Vương quốc Anh nói rằng việc các nước vẫn có khả năng giải quyết tình trạng bế tắc đồng nghĩa một "cuộc chiến" về giá tương tự như năm 2020 sẽ khó xảy ra.

Một báo cáo của ngân hàng này cho hay hiện tỷ lệ "rủi ro - phần thưởng" cho OPEC+ vẫn nghiêng về phía lạc quan do các nhà sản xuất Mỹ vẫn kiểm soát hoạt động. Đồng thời, Barclays nói thêm rằng việc thỏa thuận sản lượng bị đình trệ có thể tạo động lực tăng cho giá dầu trong ngắn hạn.

Giá dầu Brent đã tăng hơn 45%, còn giá dầu WTI đã tăng hơn 55% kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, giá dầu vẫn đối mặt với những nguy cơ đi xuống, trong bối cảnh còn nhiều sự bất ổn về tình hình dịch bệnh, các biến chủng của virus SARS-CoV-2 và cách thức kiểm soát dịch bệnh của các nước.

Hầu hết các nước trên thế giới vẫn chưa đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng vào nửa cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, cũng có khả năng những bất đồng hiện tại sẽ khiến OPEC+ sụp đổ hoàn toàn, dẫn đến tình trạng mỗi quốc gia tự thực hiện chính sách riêng và bổ sung quá nhiều nguồn cung dầu.

Ngoài ra, sự bế tắc này còn có thể phá vỡ sự liên minh của OPEC+ và qua đó dẫn đến nguy cơ xảy ra một "cuộc chiến" giá dầu gây tổn hại cho nền kinh tế thế giới.

Năm ngoái, một bất đồng tương tự về hạn ngạch dầu giữa Saudi Arabia và Nga đã "châm ngòi" cho một "cuộc chiến" gay gắt làm trầm trọng thêm đà sụt giảm của giá dầu vốn đã chịu áp lực từ đại dịch.

Tin mới lên