Ngân hàng

Triển vọng lợi nhuận ngân hàng năm 2021 vẫn sáng bất chấp dịch bệnh

(VNF) - Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng ACBS vẫn đánh giá cao triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021. Có 5 yếu tố chính hỗ trợ quan điểm này.

Triển vọng lợi nhuận ngân hàng năm 2021 vẫn sáng bất chấp dịch bệnh

Triển vọng lợi nhuận ngân hàng năm 2021 vẫn sáng bất chấp dịch bệnh

"Với vai trò trụ cột của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng vẫn cho thấy khả năng sinh lời tốt và tốc độ tăng trưởng cao bất chấp đại dịch Covid-19", Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định trong báo cáo ngành Ngân hàng công bố gần đây.

Theo ACBS, ngân hàng là một trong những ngành chống chịu tốt nhất trước dịch Covid-19, nhờ: chính sách tín dụng chặt chẽ hơn giai đoạn trước giúp giảm rủi ro tín dụng và giảm nợ xấu phát sinh mới; xu hướng cho vay bán lẻ giúp rủi ro được phân tán; dư nợ tại các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh (du lịch, nhà hàng, khách sạn,...) chỉ chiếm tỷ trọng thấp.

Không những vậy, dịch bệnh còn khiến lãi suất huy động đầu vào giảm và CASA tăng lên, qua đó giúp biên lãi thuần NIM được cải thiện và lợi nhuận của các ngân hàng tăng trưởng mạnh mē.

Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng ACBS vẫn đánh giá cao triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021, bởi nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao.

"Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại kể từ năm 2018 đến nay nhưng vẫn ở mức khá cao, từ 12-14%/năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa khiến tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam tăng lên 143% vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng con số này chưa đáng lo ngại do nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt và điều này sẽ hỗ trợ cho khả năng thanh toán trong tương lai", nhóm chuyên gia của ACBS nêu quan điểm.

Thêm vào đó, bất chấp khả năng dịch bệnh có thể kéo dài hết năm 2021 (tương đương với kịch bản tăng trưởng tín dụng 7-8% của Ngân hầng Nhà nước) nhưng theo ACBS, trên thực tế, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2021 cao hơn nhiều so với kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước (vốn luôn thận trọng) nhờ lãi suất cho vay đang ở mức thấp, đến ngày 21/6/2021 đạt 5,47%, cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái là 2,45%.

"Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục mạnh mẽ và tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức cao trong 6 tháng cuối năm 2021, đặc biệt là trong quý IV/2021. Chúng tôi duy trì dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2021 đạt 14%, tương đương với mục tiêu cao nhất của Ngân hàng Nhà nước", nhóm chuyên gia cho hay.

Đối với các ngân hàng tư nhân, nhìn chung có hệ số an toàn vốn CAR cao hơn các ngân hàng quốc doanh nên các ngân hàng này thường được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này có thể đạt 15 20%, cao hơn toàn ngành trong năm 2021.

Lý do thứ hai hỗ trợ triển vọng lợi nhuận ngân hàng là thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào và ổn định, giữ cho lãi suất huy động duy trì ở mức thấp.

Nhìn lại, năm 2020, tăng trưởng huy động đạt 14% trong khi tín dụng tăng trưởng thấp hơn, chỉ đạt 12% do Covid-19, gây ra tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng trong nửa cuối năm 2020. Một số ngân hàng như Techcombank, TPBank và MSB tận dụng tình hình thanh khoản dồi dào để tăng cường đi vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất thấp, qua đó giúp các ngân hàng này giảm chi phí vốn và cải thiện NIM.

Tình trạng dư thừa thanh khoản đã giảm bớt trong 6 tháng đầu năm 2021 do lãi suất huy động duy trì ở mức thấp khiến tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Đến 21/6/2021, tín dụng tăng trưởng 5,47%, trong khi huy động của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 3,13%.

Huy động tăng trưởng chậm hơn tín dụng khiến chênh lệch huy động-tín dụng giảm đi 100 nghìn tỷ đồng so với đỉnh điểm dư thừa ở năm ngoái, tuy nhiên theo ACBS, điều này phù hợp với xu hướng cải thiện tỷ lệ LDR để tối ưu hóa bảng cân đối của phần lớn các ngân hàng, chưa phải dấu hiệu cho thấy thanh khoản hệ thống gặp căng thẳng.

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng dù tăng nhẹ 1 điểm% từ mức gần 0% của năm ngoái nhưng vẫn đang ở mức thấp rất thấp so với các năm trước. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ vẫn đang duy trì ở mức thấp kể từ đầu năm. Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn đang dồi dào và ổn định.

ACBS cũng nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ cho thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021. Đầu tiên phải kể đến xu hướng giữ lại lợi nhuận thay vì trả cổ tức tiền mặt. Các ngân hàng niêm yết đã giữ lại 92,6% lợi nhuận trong năm 2020, cao hơn nhiều so với mức 42,4% trong năm 2013.

Cùng với đó, thanh khoản cũng được hỗ trợ bởi các khoản thu đột biến như từ việc bán 49% vốn tại FE Credit của VPBank (32 nghìn tỷ) và phí trả trước nhận được từ các thỏa thuận bancassurance độc quyền (Vietcombank: 9 nghìn tỷ đồng, VietinBank: 8,5 nghìn tỷ đồng, ACB: 8 nghìn tỷ đồng,...).

Thêm vào đó, các ngân hàng đang tiếp tục bổ sung nguồn vốn dài hạn bằng cách phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và cổ phiếu.

Đặc biệt, nhu cầu tín dụng mặc dù vẫn đang mạnh nhưng cũng sẽ không thể cao hơn quá nhiều so với tăng trưởng huy động do Ngân hàng Nhà nước vẫn đang khống chế giới hạn tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng...

Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước mua kỳ hạn 6 tháng 7 tỷ USD trong quý I/2021 và đưa vào hệ thống 150 nghìn tỷ đồng trong quý III/2021 cũng sẽ giúp mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp ít nhất là đến hết năm 2021.

Lý do thứ ba hỗ trợ lợi nhuận ngân hàng là vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng biên lãi thuần NIM.

Nhìn lại, kể từ quý III/2020, NIM của các ngân hàng được cải thiện đáng kể, nhờvlãi suất huy động giảm khoảng 2 điểm% do tình trạng dư thừa thanh khoản. Thêm vào đó, tình trạng giãn cách xã hội thúc đẩy xu hướng thanh toán trực tuyến, qua đó giúp tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng lên, từ đó giúp chi phí vốn của các ngân hàng giảm mạnh.

Trong khi đó, lợi suất tài sản của các ngân hàng giảm ít hơn so với mức giảm của chi phí vốn do lãi suất cho vay nhìn chung giảm ít hơn lãi suất huy động và một số khoản vay và trái phiếu có lãi suất cố định.

Trong dài hạn, ACBS cho rằng NIM vẫn còn dư địa cải thiện bởi: CASA tiếp tục tăng lên nhờ đẩy nhanh quá trình số hóa và các chiến dịch khuyến mãi thúc đẩy khách hàng giao dịch trực tuyến; tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ (cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ), có lãi suất tốt hơn cho vay bán buôn (doanh nghiệp lớn); áp lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế từ phía Ngân hàng Nhà nước chỉ có tác động lớn đối với các ngân hàng quốc doanh, một phần vì lãi suất cho vay tuân theo quy luật thị trường, mặt khác, lãi suất cho vay cũng phải ở mức đảm bảo nguồn thu cho các ngân hàng yếu kém duy trì hoạt động.

Ngoài ra, các ngân hàng phân bổ tài sản hiệu quả hơn, giảm tỷ trọng nắm giữ các tài sản có lãi suất thấp như trái phiếu chính phủ và tăng tỷ trọng tài sản có lãi suất cao hơn như trái phiếu tổ chức tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp...

Chi phí dự phòng tín dụng có thể giảm trong năm 2021 là yếu tố thứ tư hỗ trợ lợi nhuận ngân hàng.

Nhìn chung toàn ngành, ACBS cho rằng chi phí dự phòng sẽ giảm trong năm 2021 do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là chất lượng tài sản đang được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3-5) và nợ quá hạn (nhóm 2-5) cuối quý I/2021 tăng nhẹ so với quý IV/2020 do yếu tố mùa vụ nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước và năm 2019.

Các ngân hàng cũng chủ động trích lập dự phòng, giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu được cải thiện, qua đó giảm áp lực trích lập dự phòng năm 2021. Các khoản nợ còn tồn đọng từ giai đoạn trước và trái phiếu VAMC đã được trích lập dự phòng đáng kể trong giai đoạn 2018-2020.

Cùng với đó, quy trình cho vay chặt chẽ hơn so với giai đoạn trước giúp hạn chế nợ xấu mới. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh (du lịch, nhà hàng, khách sạn,...) chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 1%) trong cơ cấu dư nợ của các ngân hàng.

"Mặc dù có một số lo ngại về việc chi phí dự phòng tăng mạnh do Thông tư 03/2021/TT Ngân hàng Nhà nước, theo đó, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng theo lộ trình lần lượt là 30%, 60% và 100% trong năm 2021, 2022 và 2023. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy nợ tái cơ cấu của các ngân hàng hiện chưa đáng lo ngại", nhóm chuyên gia của ACBS nhấn mạnh.

Nguyên do là bởi dư nợ tái cơ cấu đã giảm kể từ quý II/2020 do tình hình tài chính của nhiều khách hàng đã hồi phục và chủ động thanh toán các khoản nợ được tái cơ cấu. Đối với các ngân hàng niêm yết, dư nợ tái cơ cấu có xu hướng giảm dần và chỉ còn chiếm 1,4% tổng dư nợ của các ngân hàng này.

Đối với nợ tái cơ cấu (giữ nguyên nhóm nợ 1), ACBS nhận thấy đa số các ngân hàng khá lạc quan về khả năng thu hồi các khoản nợ tái cơ cấu này với tỷ lệ thu hồi trên 90%.

"Lợi nhuận tích cực trong quý IV/2020 - quý I/2021 (và nhiều khả năng là quý II/2021) cho thấy ngành ngân hàng đã chống chịu tốt trước các đợt gián đoạn của nền kinh tế do Covid-19. Mặc dù đợt dịch thứ 4 có thể khiến nền kinh tế tạm thời bị gián đoạn ở một số khu vực nhưng với việc kiểm soát dịch bệnh quyết liệt của Chính phủ và việc tiêm chủng vaccine đã bắt đầu được thực hiện, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ sớm quay trở lại hoạt động", nhóm chuyên gia nhận định.

Yếu tố thứ năm hỗ trợ lợi nhuận ngân hàng là thu nhập ngoài lãi vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng đáng kể.

Thống kê cho thấy, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng trong danh sách theo dõi của ACBS tăng trưởng kép 25,6% trong 8 năm qua.

ACBS kỳ vọng lãi từ dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong dài hạn nhờ các yếu tố sau. Đầu tiên là sự phát triển của nền kinh tế sẽ đi kèm với sự tăng trưởng hoạt động thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, điều này sẽ thúc đẩy thu nhập dịch vụ của các ngân hàng từ các hoạt động tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế.

"Mặc dù hiện tại nhiều ngân hàng đang miễn phí giao dịch trực tuyến để thay đổi hành vi người tiêu dùng nhưng trong tương lai, đây sẽ là nguồn thu tiềm năng lớn khi xu hướng thanh toán trực tuyến đang phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam", theo quan điểm của nhóm chuyên gia.

Song song, thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng khi tỷ lệ dân số có bảo hiểm nhân thọ mới chỉ đạt 11% tại cuối năm 2020. Do đó, thu nhập từ hoa hồng phân phối bảo hiểm sẽ ngày càng đóng góp lớn vào thu nhập từ dịch vụ.

Một số ngân hàng như ACB, VietinBank và MSB sẽ bắt đầu ghi nhận phí trả trước từ các thỏa thuận bancassurance độc quyền kể từ năm 2021.

Cùng với đó, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, giúp thu nhập từ các hoạt động môi giới, tự doanh và bảo lãnh phát hành chứng khoán sẽ tăng trưởng khả quan trong những năm tới.

Đối với các thu nhập ngoài lãi khác, ACBS cho rằng lợi nhuận từ mua bán chứng khoán của một số ngân hàng nhiều khả năng sẽ sụt giảm do lợi suất trái phiếu chính phủ khó có thể tiếp tục giảm sâu như trong giai đoạn 2018 2020. Do đó, các ngân hàng sẽ khó có thể tiếp tục ghi nhận lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán như trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, nguồn thu từ quá trình thu hồi nợ ngoại bảng là rất đáng lưu ý trong những năm tới, bởi sau quá trình trích lập dự phòng và xóa sổ nợ xấu trong giai đoạn 2015-2020, dư nợ ngoại bảng của các ngân hàng đang ở mức rất lớn. ACBS ước tính tại cuối năm 2020, dư nợ ngoại bảng của Vietcombank vào khoảng 20.000 tỷ đồng, VietinBank khoảng 19.000 tỷ đồng, MB khoảng 13.000 tỷ đồng và TCB khoảng 10.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn?

Theo góc nhìn của ACBS, định giá của các cổ phiếu ngân hàng hiện ở mức khá hợp lý, không có nhiều khác biệt so với trung bình 5 năm gần nhất, trong bối cảnh kỳ vọng lạc quan cho năm 2021 đã được phản ánh phần lớn vào giá cổ phiếu.

Công ty chứng khoán này cho rằng ngân hàng là một trong những ngành chống chịu tốt nhất trước tác động dịch Covid-19, do đó khuyến nghị theo dõi đối với Cổ phiếu ngành ngân hàng. Các đợt thị trường điều chỉnh sẽ là cơ hội tăng tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục.

ACBS lựa chọn TCB, CTG và MBB với luận điểm và kỳ vọng như sau: kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trên nền bảng cân đối vững chắc, định giá vẫn còn ở mức hợp lý, môi trường vĩ mô ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng duy trì khả năng sinh lời và tốc độ tăng trưởng cao.

"Nhóm các ngân hàng có bảng cân đối vững chắc, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ và định giá vẫn còn ở mức hợp lý sẽ là những cơ hội đầu tư đáng tin cậy trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang nhen nhóm", theo nhận định của ACBS.

Tin mới lên