Tài chính quốc tế

Triều Tiên rung chuyển sau thử hạt nhân, Phó TTK Liên Hiệp Quốc nói 'nguy hiểm'

(VNF) – Triều Tiên rung chuyển bởi động đất có thể do vụ thử hạt nhân, trong khi Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cảnh báo "nguy hiểm".

Triều Tiên rung chuyển sau thử hạt nhân, Phó TTK Liên Hiệp Quốc nói 'nguy hiểm'

Cuộc diễn tập phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên ngày 6/3/2017.

Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman vừa hoàn thành chuyến thăm Bình Nhưỡng từ ngày 5-8/12, chưa đầy 1 tuần sau khi Triều Tiên phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa được cho là có thể bay tới nước Mỹ. Đây là chuyến thăm đáp lại lời mời của Triều Tiên đưa ra tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ hồi tháng 9.

Tại đây, ông đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho và Thứ trưởng Pak Myong Guk. Họ đều thống nhất rằng đây là "một mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh thế giới".

Theo ông Jeffrey Feltman, tình hình chính trị trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết bằng giải pháp ngoại giao thông qua quá trình đối thoại chân thành. Ông cũng cho hay LHQ mong muốn hợp tác để "hạ nhiệt" căng thẳng trong khu vực phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc về an ninh và hòa bình quốc tế.

Màn trình diễn pháo hoa tại quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng sau khi Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15.

Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ngày 9/12 mới đây đã phát hiện hai trận động đất mạnh 2,9 và 2,4 độ vào lúc 6h13 và 6h40 ngày 9/12 (theo giờ GMT) ở khu vực gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.

Theo nhận định của USGS , đây có thể là rung chấn do vụ thử hạt nhân lần thứ 6 được diễn ra từ tháng 9 của Triều Tiên. Vụ thử hạt nhân lớn khiến lớp vỏ Trái Đất dịch chuyển và cần một thời gian để ổn định trở lại.

Động đất ở Triều Tiên được cho là dư chấn sau vụ thử hạt nhân

Trước đó, các cơ quan địa chất quốc tế đã ghi nhận nhiều trận động đất ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Điều này dấy lên lo ngại vùng núi nơi Bình Nhưỡng thử hạt nhân đã bị hư hại nghiêm trọng, khó có thể chịu đựng thêm một vụ thử nào khác và có thể khiến Triều Tiên mạo hiểm lựa chọn thử hạt nhân trong không trung.

Bãi thử Punggye-ri nằm ở khu vực đồi núi phía đông bắc Bình Nhưỡng. Đây được coi là cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên và là bãi thử hạt nhân còn hoạt động duy nhất trên thế giới.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đi kiểm tra bom H trước khi thử nghiệm ngày 3/9.

Ngay sau khi tiết lộ sở hữu công nghệ gắn bom H (bom nhiệt hạch) vào tên lửa đạn đạo liên lục địa, Triều Tiên tuyên bố thử thành công loại bom này vào ngày 3/9, mạnh hơn nhiều lần so với quả bom nước này thử nghiệm trước đó năm 2016. 

Bom H thực chất là quả bom kép, bao gồm một quả bom nguyên tử và một quả bom hydrogen. Khi được kích hoạt, hai quả bom sẽ nổ gần như đồng thời. Lượng nhiệt sinh ra từ quá trình nổ bom nguyên tử được dùng để làm mồi cho vụ nổ thứ 2, vốn cần rất nhiều nhiệt lượng nhưng sức tàn phá cũng lớn gấp hàng trăm lần.

Các chuyên gia Nhật Bản ước tính sức công phá của quả bom này ở mức 160 kiloton, gấp 10 lần quả bom do Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945. Với sức công phá này, quả bom hoàn toàn có khả năng gây ra lở đất.

Hồi tháng 10, tình báo Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên đang chuẩn bị hai khu hầm thử hạt nhân khác, gợi ý về việc nước này đã sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7.

Tin mới lên