Tài chính quốc tế

Tròn 20 năm khủng hoảng tài chính châu Á: Bài học chưa cũ!

(VNF) - Hai mươi năm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, châu Á dường như sẽ lại cần những bài học được rút ra từ đau thương trong quá khứ.

Tròn 20 năm khủng hoảng tài chính châu Á: Bài học chưa cũ!

Một tòa nhà bỏ hoang của một doanh nghiệp bị phá sản ở Thái Lan.

Cơn bão khủng hoảng càn quét châu Á

Mùa hè năm 1997, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Hàn Quốc, các con rồng con hổ châu Á, đang là điểm đến lý tưởng của giới đầu tư trên khắp thế giới. Tăng trưởng kinh tế cao, ổn định (trung bình 8-10%), lãi suất đầu tư hấp dẫn, thị trường chứng khoán và nhu cầu tiêu dùng cao cấp phát triển vượt bậc. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thu hút dòng tiền đầu tư trên toàn thế giới đổ dồn về đây, đặc biệt là dòng đầu cơ tài chính ngắn hạn.

Đầu năm 1997, một số quỹ đầu cơ tài chính sừng sỏ như Quantum (George Soros) hay Tiger Management Corp. (Julian Robertson) đã ký hàng loạt các hợp đồng mua bán ngoại tệ có thời hạn (bán đồng baht Thái, với thời hạn thanh toán chậm từ 6 tháng đến 1 năm) với tổng trị giá lên tới 15 tỷ USD. Người ta đang đánh cược là trong tương lai đồng baht sẽ phá giá.

Trong bối cảnh nền kinh tế khan hiếm USD tiền mặt, những kiểu hợp đồng mua bán ngoại tệ có kỳ hạn như thế này rất thông dụng. Do đó đến Ngân hàng trung ương Thái Lan cũng cảm thấy không có chuyện gì đáng ngại, thậm chí còn xem đây là một trong những phương pháp hữu hiệu đảm bảo vốn lưu thông cho nền kinh tế.

Mãi phải đến giữa tháng 5, khi những dấu hiệu tiền khủng hoảng xuất hiện, Ngân hàng Thái Lan mới ra quyết định tạm ngừng những kiểu hợp đồng như thế, nhưng đã quá muộn. Ngày 14-15/6/1997, thị trường tiền tệ ở Thái tràn ngập lệnh bán đồng baht.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan cố sức giữ giá, trong suốt 2 tuần đã chi ra gần 10 tỷ USD để mua đồng baht và giữ tỷ giá hối đoái ở mức bình thường 25 baht 1 USD. Nhưng không ăn nhằm gì với làn sóng "rũ bỏ" đồng baht loang ngày càng rộng trên khắp thế giới.

Ngày 30/6, Thủ tướng Thái Lan Chavalit Yongchaiyudh vẫn cố sống cố chết "sẽ không phá giá baht", thế mà chỉ 2 ngày sau, 2/7, baht lập tức mất giá gần 50%. Vào tháng 1/1998, nó đã xuống đến mức 56 baht/1 USD. Chỉ số thị trường chứng khoán Thái Lan tụt từ mức 1.280 cuối năm 1995 xuống còn 372 cuối năm 1997. Đồng thời, mức vốn hóa thị trường vốn giảm từ 141,5 tỷ USD xuống còn 23,5 tỷ USD. Finance One, công ty tài chính lớn nhất của Thái Lan bị phá sản.

Cuộc khủng hoảng ở Thái Lan nhanh chóng lan rộng sang các quốc gia láng giềng như Malaysia, Indonesia, thậm chí lan san cả Hàn Quốc.

Điều đáng báo động nhất sau khi Thái Lan tuyên bố thả nổi đồng baht không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Thái Lan mà nó còn gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính lan truyền sang tất cả các nước châu Á khác. Không chỉ đồng baht mà cả đồng peso (Philippines), đồng ringit (Malaysia), đồng đô la (Singapore) và đồng rupiah (Indonesia) cũng đều bị sức ép phải giảm giá so với đồng USD.

Không nằm ngoài xu thế, các nhà đầu cơ đã không bỏ lỡ cơ hội hưởng chênh lệch giá, họ không chỉ tấn công vào đồng baht mà còn cả vào đồng peso Philippines và đồng rupiah Indonesia. Sau khi các đồng tiền này lần lượt bị phá giá, giới đầu cơ đã quay sang tấn công vào đồng đô la Singapore và đồng ringit Mlaysia.

Chẳng mấy chốc, con hổ kinh tế châu Á rơi vào tình trạng hấp hối. Bangkok lúc đó giống như một chợ trời khổng lồ. Những người Thái Lan giàu có đem bán các hàng hóa xa xỉ của họ với giá không thể rẻ hơn tại các bãi đậu xe. Ô tô, đồ trang sức, rượu, thậm chí cả máy bay cá nhân - tất cả đều bán hết để duy trì cuộc sống.

Chính phủ bất lực trước tình trạng thất nghiệp gia tăng. Thái Lan lúc đó buộc phải nhận cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ngày nay, những ký ức buồn đó vẫn còn lưu giữ trong các đồ vật tại Bảo tàng Siam ở Bang Kok. Đó có thể là bức tượng Phật, nơi nhiều người đã tới cầu khấn để mong qua khỏi khủng hoảng. Đó có thể là chiếc điện thoại mà nhân viên biết được mình thất nghiệp vì ông chủ đã tự sát.

"Cơn bão" khủng hoảng càn quét qua Thái Lan, Malaysia, Indonesia và cuối cùng đã chạm tới Hàn Quốc. Kết quả là ở Hàn Quốc xuất hiện làn sóng phá sản, kéo theo các ngân hàng sụp đổ. Hàn Quốc phải cầu cứu 1 gói cứu trợ "đáng xấu hổ" từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Vào ngày 3/12/1997, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đã chấp nhận bỏ ra 57 tỷ USD giúp Hàn Quốc thoát khỏi cơn khủng hoảng. Các điều kiện trong gói giải cứu của IMF khiến Hàn Quốc phải tiến hành những cải cách đầy đau đớn và làm cho nền kinh tế Hàn Quốc bị thu hẹp đáng kể. 

Một phóng viên Bloomberg kể lại đã tận mắt chứng kiến cuộc khủng hoảng 1977 với tư cách là một phóng viên ở Seoul, bị vây quanh bởi sự hỗn loạn, mất phương hướng và cả những khổ đau. Đó là cả một xã hội đã làm việc không ngừng nghỉ để thoát khỏi đối nghèo nhưng cuối cùng vẫn bất lực nhìn thành quả "bốc hơi".

Những bà nội trợ quyên góp cả số đồ trang sức đã tích trữ cả đời trong nỗ lực giải cứu đất nước. Những người đàn ông vốn là trụ cột của gia đình trong những bộ vest tối màu vật vờ ở công viên vì không dám trở về nhà để nói với gia đình rằng mình đã bị sa thải. Mọi thứ diễn ra quá nhanh đến nỗi cảm thấy bị sốc là điều khó tránh khỏi.

Người Hàn Quốc ra sức phê phán sự can thiệp của IMF vào nền kinh tế quốc gia. 

Tỉ lệ phá sản ở các doanh nghiệp nhỏ tăng lên đến mức kỷ lục, ít nhất mỗi ngày có một chủ doanh nghiệp nhỏ đã phải tự tử. Cuộc khủng hoảng mang lại cho những người Hàn Quốc một ý thức mạnh mẽ về chủ nghĩa dân tộc, họ hạn chế nhập khẩu hàng hóa và ra sức phê phán sự can thiệp của IMF vào nền kinh tế quốc gia. Khi tình trạng sa thải công nhân tăng lên, liên minh các nghiệp đoàn Hàn Quốc đã xuống đường biểu tình với những bảng khẩu hiệu như "IMF= I Am Fired".

Các tập đoàn lớn như Samsung và Daewoo yêu cầu nhân viên của mình bán những món đồ trang sức của họ để giúp đất nước tăng ngoại tệ và thanh toán hết nợ. 

Kim Dae-jung, cựu Tổng thống Hàn Quốc, trong chuyến công du tới Việt Nam thời điểm đó, tháp tùng đoàn có một doanh nhân đang vô cùng lo lắng. Đó là Kim Woo-Choong, người sáng lập tập đoàn Daewoo. Trong bữa sáng tại Hà Nội, ông Kim đã thỉnh cầu Tổng thống những ưu đãi để giúp công ty tránh khỏi sự tàn phá của cơn bão tài chính.

Trong quá khứ, một lời thỉnh cầu như của ông Kim Woo-Choong có thể phát huy tác dụng. Các tổng thống Hàn Quốc thường xuyên ủng hộ các tập đoàn kinh tế đang nổi của đất nước này, vốn được biết đến với cái tên chaebol, bởi chúng là động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn kinh doanh không hiệu quả dẫn tới nợ nần, công suất dư thừa và cắt giảm nhân công, cũng là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng.

Tổng thống Kim nhận ra một cách tiếp cận mới là cần thiết, dù chắc chắn thay đổi sẽ vô cùng đau đớn. Ông để cho người đứng đầu Daewoo về nước với không gì ngoài một bài giáo huấn về việc tự khắc phục các vấn đề của riêng mình. Daewoo tan rã ngay sau đó.

Đó là một quyết định cứng rắn nhưng chỉ là một trong vô số những lựa chọn khó khăn mà lãnh đạo các nước trong khu vực phải làm để giải cứu nền kinh tế khỏi khủng hoảng, khi hàng loạt nền kinh tế hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Malaysia sa lầy vào cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng, khiến các nhà đầu tư tháo chạy, tiền tệ sụp đổ kèm theo sự đổ vỡ của hàng loạt doanh nghiệp.

Cuộc khủng hoảng không chỉ lây lan ở khu vực Đông Á mà còn góp phần dẫn tới khủng hoảng tài chính Nga và khủng hoảng tài chính Brasil. Một số nước không bị khủng hoảng, nhưng kinh tế cũng chịu ảnh hưởng xấu do xuất khẩu giảm và do FDI vào giảm.

Với Việt Nam, 20 năm trước, nền kinh tế Việt vẫn chưa được xem là một nền kinh tế mở. Chính "khiếm khuyết" này đã giúp chúng ta "né" được nhiều đòn tấn công của khủng hoảng tiền tệ châu Á.

Bài học chưa cũ

Có nhiều ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 là một cuộc tấn công các nền kinh tế mới nổi, những con rồng con hổ châu Á, một cách có tổ chức.

Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, ngay sau khủng hoảng, đã chỉ mặt gọi tên thủ phạm gây ra mọi chuyện chính là các tập đoàn đầu cơ tài chính với đầu chòm là tỷ phú quốc tịch Mỹ, người Hungary gốc Do Thái George Soros. Quả thật, G. Soros và đồng đội đã kiếm được hàng tỷ USD lợi nhuận sau vụ đầu cơ này.

Bản thân G. Soros không phủ nhận việc mình đã kiếm bạc tỷ trong đợt khủng hoảng tiền tệ nhưng lại phủ nhận hoàn toàn động cơ của nó. Ông và các đồng nghiệp đơn gian chỉ là những nhà tài chính nhạy cảm, dám mạo hiểm và gặp may. Khủng hoảng kinh tế châu Á, theo G. Soros đó là hệ quả tất yếu báo hiệu một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều – khủng hoảng tư bản toàn cầu.

 G. Soros và đồng đội đã kiếm được hàng tỷ USD lợi nhuận sau vụ đầu cơ vào đồng tiền châu Á trong cuộc khủng hoảng 1997.

Nhờ cuộc khủng hoảng, những công ty "sừng sỏ" của phương Tây đã kịp thời "chiếm hữu" tài sản của các tập đoàn châu Á với giá bèo bọt: BNP Paribas thôn tính Peregrine, một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu châu Á. Đây là kết quả của đồng rupee Indonesia bị phá giá. Procter & Gamble "nuốt chửng" Ssanyong Paper của Hàn Quốc; General Motors mua với giá gần như cho không Daewoo Motor; Prudential Securities nắm quyền kiểm soát Nava Finance & Securities; First Pacific vươn tay tới San Miguel, công ty bia hàng đầu của Philippines;...

Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài vì chính nội tại các quốc gia cũng tồn tại nhiều vấn đề. Thứ nhất, nợ tăng quá nhanh luôn luôn là thứ nguy hiểm dù ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Thứ hai, nguyên nhân khiến nợ chất đống là do những lỗ hổng trong nền kinh tế đã bị bỏ qua hoặc không được giải quyết triệt để. Thứ ba, luôn luôn có những chuyên gia uy tín cho rằng núi nợ ấy không nguy hiểm như trong lịch sử nhưng cuối cùng thì họ đã sai.

Áp dụng các nguyên nhân này vào trường hợp Hàn Quốc năm 1997 để thấy, nợ của khu vực tư nhân đã tăng quá nhanh so với GDP. Đến giữa năm 1997, tỷ lệ nợ tư nhân/GDP đã lên tới 149%, tăng 52 điểm phần trăm chỉ trong 1 thập kỷ (ở Thái Lan và Malaysia còn tăng nhanh hơn, lần lượt 99 và 62 điểm phần trăm trong khi ở Indonesia tỷ lệ tăng gấp đôi).

Khối nợ của Hàn Quốc quá lớn một phần là bởi lỗ hổng trong nền kinh tế. Đó là mối quan hệ mờ ám giữa giới chức, ngân hàng và doanh nghiệp, khiến một lượng vốn lớn được đổ vào những dự án hoành tráng nhưng thực chất không hiệu quả. Nhưng các nhà quản lý đã nhắm mắt làm ngơ trước rủi ro. Đúng là khủng hoảng xảy ra do tác nhân bên ngoài, nhưng nếu không quá chủ quan, Hàn Quốc sẽ không mong manh đến vậy trước 1 cú đánh bất ngờ.

Giữa khủng hoảng, Tổng thống Kim đã cắt nguồn sống của Daewoo, một quyết định vô cùng đau đớn. Tuy nhiên, những người kế nhiệm ông sau này lại có khuynh hướng ân xá cho người đứng đầu các chaebol bất chấp cáo buộc về những tội danh khác nhau hơn là giảm bớt quyền lực trong tay họ với tập đoàn và cả nền kinh tế. 

Ngoài ra, chính sự thiếu đổi mới trong các nhà hoạch định chính sách cũng tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Indonesia đáng lẽ phải là một trong những nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới nhưng chính vì cơ chế điều tiết quá mức cùng cơ sở hạ tầng nghèo nàn nên tốc độ tăng trưởng của quốc đảo này chỉ dao động ở mức 5%. Trung Quốc và Ấn Độ cũng có những cải cách nhưng chúng chưa đủ để tạo ra đột phá.

Trung Quốc đang rơi vào cái bẫy nợ công giống nhiều quốc gia từng được mệnh danh là những con hổ của châu Á. Năm 2016, nợ công của Trung Quốc so với tổng sản phẩm quốc nội đạt 257%. Không chỉ riêng Trung Quốc, nợ còn tăng lên ở khác châu Á. Dù không ở mức khủng hoảng nhưng rõ ràng, nợ đang cản trở tăng trưởng ở các nước như Hàn Quốc và Malaysia.

Nghiên cứu được Capital Economics thực hiện năm 2015 về các khủng hoảng ở thị trường mới nổi kể từ năm 1990 đến nay cho thấy mọi quốc gia có tỷ lệ nợ tư nhân/GDP tăng trưởng hơn 30 điểm phần trăm trong 10 năm gần như sẽ không thể tránh khỏi 1 cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Nếu bài học châu Á được tiếp thu, thảm họa 2008 có lẽ sẽ không xảy ra. Tỷ lệ nợ tư nhân/GDP của Mỹ đã tăng 44 điểm phần trăm trong 10 năm tính đến giữa 2008. Phần lớn số nợ này gắn với các khoản nợ thế chấp có rủi ro cao sinh ra từ thị trường nhà đất. Mức độ rủi ro của chúng đã bị xem nhẹ sau khi được chẻ nhỏ và phát tán ra toàn bộ khu vực tài chính. Ngày nay ai cũng lắc đầu trước câu chuyện ấy, nhưng ở thời điểm 2008 nó được chấp nhận rộng rãi. Toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ đã không được chuẩn bị tốt cho "khoảnh khắc Lehman".

Theo Nhật Báo phố Wall, một số bài học có thể rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, bài học thứ nhất đó là giảm số nợ nước ngoài bằng ngoại tệ. Nếu cách đây 20 năm, nợ nước ngoài chủ yếu bằng đồng USD nên khi đồng baht mất giá, gánh nặng nợ đã phình lên nhanh chóng. Hiện nay, Thái Lan hạn chế tối đa việc vay nợ bằng ngoại tệ. Các doanh nghiệp ở nước này hiện đa phần chỉ vay nợ bằng ngoại tệ khi cần tiền cho các dự án ở nước ngoài.

Bài học thứ 2 là cho phép tỷ giá linh hoạt hơn, tránh ràng buộc bởi đồng USD. Hiện nay đồng baht đang có giá trị thấp hơn 12% so với thời điểm neo vào đồng USD, biến Thái Lan trở thành một địa điểm hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Cho đến lúc này, những xáo trộn chính trị trong nước đã không ngăn cản sự phục hồi từ từ của đồng baht kể từ khi đồng nội tệ này chạm mức thấp khoảng 55 baht đổi 1 USD hồi khủng hoảng.

Thái Lan cũng đang có thặng dư vãng lai lớn, dự trữ ngoại hối hiện tương đương 3,5 lần nợ nước ngoài ngắn hạn, vào khoảng gần 180 tỷ USD. Bên cạnh đó, tính minh bạch trong các báo cáo tài chính cũng được cải thiện. Việc tham gia điều phối chính sách với các quốc gia khác cũng được tiến hành.

Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính 20 năm trước đã giúp Thái Lan và một số nước châu Á vượt qua biến động của kinh tế toàn cầu những năm gần đây.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế của tờ Thời báo Tài chính Anh, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính nữa vào thời điểm này là thấp, song khả năng để Thái Lan có thể trở lại giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ thời được ca ngợi là "con hổ" Đông Nam Á chưa thể sớm xảy ra.

Tin mới lên