Tài chính

'Trùm cao tốc' VEC lãi 6 tháng vỏn vẹn 502 triệu đồng do chi phí tài chính tăng 'không điểm dừng'

(VNF - Tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của "trùm cao tốc" VEC không mấy khả quan khi chỉ riêng chi phí tài chính đã lên đến 1.808 tỷ đồng, bào mòn gần hết doanh thu.

'Trùm cao tốc' VEC lãi 6 tháng vỏn vẹn 502 triệu đồng do chi phí tài chính tăng 'không điểm dừng'

'Trùm cao tốc' VEC lãi 6 tháng vỏn vẹn 502 triệu đồng do chi phí tài chính tăng 'không điểm dừng'

Theo thông tin từ Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), 6 tháng đầu năm 2019, công ty mẹ - VEC ghi nhận doanh thu thuần 1.865 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 1.817 tỷ đồng, tăng tới 41%.

Tuy nhiên, trong kỳ, "trùm cao tốc" này lại ghi nhận tới 1.808 tỷ đồng chi phí tài chính, tăng 35%; trong đó, lãi phí chiếm khoảng một nửa.

VEC không ghi nhận chi phí bán hàng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp cũng rất khiếm tốn, chỉ 10,7 tỷ đồng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của "trùm cao tốc" VEC đạt vỏn vẹn 502 triệu đồng. Mặc dù rất thấp nhưng cũng tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 55% kế hoạch cả năm nay.

Trước đó, năm 2018, mặc dù doanh thu và lợi nhuận gộp của VEC tăng mạnh nhưng lợi nhuận sau thuế của VEC chỉ đạt 892 triệu đồng, giảm tới 99,9% so với con số 931 tỷ đồng của năm 2017.

Nguyên nhân là do tổng công ty này ghi nhận tới tới 2.887 tỷ đồng chi phí tài chính, gấp 3,4 lần năm 2017. Phần lớn trong số này là lỗ chênh lệch tỷ giá với 2.151 tỷ đồng (tăng gấp 5,9 lần), bên cạnh đó là lãi tiền vay, phí cam kết với 619 tỷ đồng và lãi trái phiếu phát hành với 116 tỷ đồng.

VEC được thành lập vào tháng 12/2004, ban đầu trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, được giao đầu tư xây dựng những tuyến đường cao tốc thuộc hàng lớn nhất cả nước.

Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành.

Năm 2018, VEC được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tính đến hết năm 2018, VEC quản lý khối tài sản lên đến trên 96.400 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức trên 9.500 tỷ đồng. Nợ phải trả lên đến trên 86.000 tỷ đồng, gấp 9 lần vốn chủ sở hữu.

Năm 2019, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu VEC tiếp tục việc tái cơ cấu tài chính 5 dự án do tổng công ty này làm chủ đầu tư theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 3975/QĐ-BGTVT ngày 12/12/2016.

"Siêu ủy ban" cũng yêu cầu VEC sắp xếp, kiện toàn bộ máy hoạt động theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả bộ máy, định biên lao động, bố trí công việc hợp lý, giảm đầu mối công việc để phù hợp với tình hình công việc thực tế.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý vận hành, khai thác, bảo trì, bảo dưỡng, khai thác thu phí hoàn vốn đầu tư các dự án, công tác quản lý chất lượng, tiến độ, khối lượng, chi phí đầu tư, nguồn vốn thực hiện, an toàn lao động, môi trường xây dựng tại các dự án VEC đang thực hiện đầu tư đảm bảo đúng mục tiêu, chất lượng, tiến độ và hiệu quả của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ công tác thanh toán, quyết toán giá trị công trình xây dựng hoàn thành.

"Siêu ủy ban" cũng "lệnh" cho VEC phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng phương án sử dụng dịch vụ thu phí không dừng theo đúng Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Tin mới lên