Tài chính quốc tế

Trump làm rúng động hàng thập kỷ ngoại giao của Mỹ bằng 4 cuộc điện thoại

(VNF) - Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nói chuyện với hàng chục nhà lãnh đạo nước ngoài qua điện thoại kể từ khi ông thắng cử. Các cuộc điện đàm hầu hết là không chính thức.

Trump làm rúng động hàng thập kỷ ngoại giao của Mỹ bằng 4 cuộc điện thoại

Trước thềm lễ nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có không ít cuộc điện đàm đe dọa gây sóng gió trong các mối quan hệ ngoại giao song phương.

Trước thềm lễ nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có không ít cuộc điện đàm đe dọa gây sóng gió trong các mối quan hệ ngoại giao song phương.

"Cuộc gọi lịch sử" với lãnh đạo Đài Loan

Trong động thái bất ngờ, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 2/12 điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Cuộc điện đàm kéo dài 10 phút giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn đã dậy sóng thế giới được báo chí Mỹ gọi là "thành quả 40 năm của Trung Quốc bị bốc hơi trong vòng 10 phút". 

Gần 40 năm nay, chưa từng có một tổng thống Mỹ công khai điện đàm với lãnh đạo Đài Loan. Vì thế mà cuộc gọi được cho là "mang tính lịch sử".

Đây còn được cho là sản phẩm của hàng tháng âm thầm chuẩn bị của nhiều cố vấn trong đội ngũ Trump. Những cố vấn này thậm chí đã muốn một chiến lược mới với Đài Loan từ trước khi Trump trở thành ứng viên chính thức của đảng Cộng hòa.

Cuộc gọi được báo chí Mỹ gọi là "thành quả 40 năm của Trung Quốc bị bốc hơi trong vòng 10 phút". 

Việc ông Trump nói chuyện với bà Thái hôm 2/12 đã phá vỡ nguyên tắc ngoại giao của Mỹ trong nhiều thập niên qua. Từ khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan vào năm 1979 và công nhận nguyên tắc "Một Trung Quốc", không có tổng thống hoặc tổng thống đắc cử nào của Mỹ trò chuyện trực tiếp với lãnh đạo Đài Loan, dù Washington vẫn bán vũ khí cho Đài Bắc.

Tuy nhiên, ông Trump nói rằng nếu Trung Quốc không nhượng bộ về thương mại và các vấn đề khác, ông không thấy lý do Mỹ nên tiếp tục theo đuổi chính sách này.

Trả lời đài Fox News trong cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 11/12, ông Trump tuyên bố: "Tôi không biết lý do tại sao chúng ta phải bị ràng buộc bởi chính sách "Một Trung Quốc" trừ khi chúng ta thực hiện một thỏa thuận hoặc làm gì khác – trong đó có thương mại - với họ".

Trong khi đó, bà Thái Anh Văn nói rằng cuộc gọi điện với ông Trump vừa qua không đồng nghĩa Mỹ thay đổi chính sách ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh hai bên coi trọng việc giữ vững ổn định khu vực.

Cuộc điện đàm "sôi nổi" với Tổng thống Philippines 

Cũng trong ngày 2/12, Tổng thống đắc cử Trump đã điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Người trợ lý của ông Duterte mô tả cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và ông Rodrigo Duterte là một cuộc nói chuyện "hấp dẫn, sôi nổi" trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang gặp nhiều sóng gió.

Cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Philippines diễn ra sau khoảng thời gian bất ổn trong mối quan hệ giữa Mỹ và một trong những đồng minh châu Á quan trọng nhất của họ là Philippines.

Chính quyền sắp tới của ông Trump có thể sẽ thay đổi cách tiếp cận với chính quyền Philippines.

Tình hình căng thẳng lên từ thái độ tức giận của ông Duterte với Tổng thống Obama và việc ông Duterte liên tục lặp lại những đe dọa cắt đứt quan hệ quốc phòng đã duy trì suốt nhiều thập kỷ qua giữa hai nước.

Trong 5 tháng tại nhiệm, ông Duterte đã có những động thái đảo ngược trong chính sách ngoại giao lâu nay của Philippines khi lên tiếng chỉ trích gay gắt Mỹ, tiến hành đàm phán với Trung Quốc về các tranh chấp chủ quyền và theo đuổi một cơ chế liên minh mới với Nga.

Trong cuộc điện đàm, ông Trump đã mời ông Duterte thăm Nhà Trắng vào năm sau. New York Times bình luận, lời mời này cho thấy có thể chính quyền sắp tới của ông Trump sẽ thay đổi cách tiếp cận với chính quyền Philippines.

Hết lời khen ngợi Thủ tướng Pakistan

Trước đó, hôm 30/11, ông Trump cũng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif. Trong cuộc điện đàm, ông Donald Trump đã hết sức ca ngợi Pakistan, được Pakistan mời đến thăm. Ông Trump cho hay: "Ngài Thủ tướng (Nawaz Sharif) có một uy tín tốt, thực sự là một người tài giỏi".

Việc ông Trump hết lời khen ngợi Pakistan là sự đảo ngược hoàn toàn của vị Tổng thống đắc cử này. Năm 2012, ông Trump dùng phương tiện mạng xã hội ưa thích của mình, Twitter, để lên án Pakistan.

Vào ngày 17/1 năm nay, ông viết: "Hãy đi thẳng vào vấn đề: Pakistan không phải là bạn của chúng ta. Chúng ta đã cung cấp cho họ hàng tỷ, hàng tỷ USD và rồi chúng ta nhận được gì? Sự phản bội và không tôn trọng, và còn tồi tệ hơn thế". Ông Trump cũng đề xuất giới hạn việc nhập cư của người Hồi giáo vào nước Mỹ, đặc biệt là từ các quốc gia điểm nóng mà ông gọi là "khủng bố Hồi giáo cực đoan". Danh sách đó cũng bao gồm cả Pakistan.

Ông Trump ca ngợi Thủ tướng Nawaz Sharif có một uy tín tốt, thực sự là một người tài giỏi.

Là những đồng minh lịch sử trong khu vực nhưng mối quan hệ giữa Islamabad và Washington đã dần trở nên xấu đi trong những năm gần đây do việc Mỹ cáo buộc Pakistan chứa chấp các phần tử Hồi giáo cực đoan – cáo buộc mà Pakistan luôn bác bỏ. 

Pakistan vốn được hưởng lợi từ sự trợ giúp của Mỹ và sẽ nhận được gần 1 tỷ USD hỗ trợ an ninh và kinh tế trong năm tài khóa 2017. Thủ tướng Pakistan Sharif thực tế không nhận được nhiều sự ủng hộ tại quê nhà như lời khen của ông Trump. Ông Sharif bị cáo buộc tham nhũng, chi tiết được nhắc đến trong vụ bê bối Hồ sơ Panama mùa hè vừa qua. Thủ tướng Pakistan cũng đang bị điều tra các xung đột lợi ích xuất phát từ bốn căn hộ sang trọng mà các thành viên trong gia đình ông sở hữu tại London, Anh. Ông cũng thề sẽ từ chức nếu phát hiện ra các sai phạm của mình.

Tổng thống đắc cử cũng đánh giá cao "kẻ thù" của Pakistan là Ấn Độ. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông hướng tới các cử tri Mỹ gốc Hindu và cho rằng trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ là "những người bạn tốt".

Tán dương Tổng thống Kazakhstan 

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev ngày 30/11, ông Trump đã tán dương và dành nhiều lời ngợi ca ông Nazarbayev, người lên nắm quyền tại quốc gia này từ năm 1991 đến nay.

 Ông Trump đã tán dương và dành nhiều lời ngợi ca ông Nazarbayev.

Ông Trump nhấn mạnh rằng dưới sự lãnh đạo của ông Nursultan Nazarbayev, nước Kazakhstan đạt được "thành công tuyệt vời" mà có thể gọi là "phép lạ".

Ông Trump cũng tuyên bố quyết tâm đưa quan hệ thân thiện giữa Kazakhstan và Mỹ lên một tầm cao mới, bao gồm cả thương mại và hợp tác kinh tế. Trump cũng bày tỏ mong muốn sắp xếp một cuộc họp với ông Nazarbayev.

Tin mới lên