Tài chính quốc tế

Trump 'mặc cả' thành công 2 hợp đồng tỷ USD cho Chính phủ Mỹ

(VNF) - Sau khi bị Trump chê đắt và dọa hủy hợp đồng, Giám đốc điều hành Boeing cam kết sẽ sản xuất chuyên cơ Air Force One với mức giá thấp hơn 4 tỷ USD.

Trump 'mặc cả' thành công 2 hợp đồng tỷ USD cho Chính phủ Mỹ

Ảnh minh họa

Hôm 21/12, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã gặp gỡ CEO của hai công ty quốc phòng nhằm gây áp lực buộc họ giảm cho phí cho các dự án quân sự như sản xuất Air Force One và chiến đấu cơ F-35.

Theo Reuters, ông Trump đã nhóm họp với CEO Dennis Muilenburg của Tập đoàn Boeing và Marillyn Hewson của Lockheed Martin tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida. Đây cũng là nơi ông Trump sẽ đón Giáng sinh.

Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11, ông Trump đã nhiều lần phàn nàn về hai công ty trên liên quan tới các dự án quốc phòng mà Tổng thống đắc cử cho là quá đắt đỏ và lãng phí.

Theo CEO của hãng Boeing, ông Muilenburg, cuộc gặp với ông Trump đã diễn ra "tốt đẹp" và ông này ca ngợi Tổng thống đắc cử là "người có đầu óc kinh doanh". 

CEO của Boeing cũng tuyên bố rằng trong cuộc trò chuyện cùng Tổng thống đắc cử Trump, ông khẳng định công ty sẽ sản xuất chiếc Air Force One mới với giá thấp hơn 4 tỷ USD - mức giá mà ông Trump cho là quá đắt với chính phủ Mỹ và dọa muốn hủy hợp đồng.

"Chúng tôi đang sản xuất nó (Air Force One) với mức giá thấp hơn (4 tỷ USD), và chúng tôi cam kết sẽ làm việc cùng nhau để đảm bảo điều đó", ông Muilenburg nói sau cuộc gặp với Tổng thống đắc cử Trump ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại Palm Beach, Florida.

"Tôi đã hứa danh dự với tổng thống tân cử về điều đó. Hợp đồng này quan trọng với chúng tôi (Boeing)", Muilenburg nhấn mạnh.

CEO Boeing cam kết chi phí chế tạo chuyên cơ mới cho tổng thống sẽ không đến 4 tỷ USD

Trước đó, ngày 6/12, ông Trump chỉ trích đích danh hãng Boeing trên Twitter: "Boeing đang xây dựng Air Force One 747 cho tổng thống tương lai nhưng chi phí cho việc này là quá đắt, hơn 4 tỷ USD. Hủy đơn hàng đi!". Ngay sau bình luận này của ông, giá cổ phiếu của Boeing giảm mạnh khiến vốn hóa của tập đoàn bốc hơi khoảng 1 tỷ USD.

Trả lời các phóng viên về vấn đề này, ông Trump nói: "Nó ngốn tới 4 tỷ USD. Tôi cho rằng đó là điều hết sức lố bịch. Chúng tôi muốn Boeing kiếm lời, nhưng không phải là con số lớn đến vậy".

Tháng 1/2015, Không quân Mỹ lần đầu tiên tuyên bố máy bay Boeing 747-8 sẽ thay thế cho hai chuyên cơ Air Force Once đang chở tổng thống Mỹ. Air Force One là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của Mỹ. Theo trang web của Boeing, các tổng thống Mỹ bắt đầu dùng Air Force One của hãng từ năm 1943. 

Máy bay Boeing 747-8 dài 73 m với sải cánh là 68 m, có thể bay trực tiếp từ Washington đến Hong Kong, nhiều hơn 1.600 km so với chuyên cơ hiện tại.

Ngày 21/12, ông Trump cũng gặp gỡ với Marillyn Hewson – CEO của Lockheed Martine - "gã khổng lồ" trong lĩnh vực sản xuất vũ khí. Thời gian gần đây ông Trump cũng trỉ trích chi phí của chương trình máy bay chiến đấu F-35 mà chính phủ Mỹ đang ký với công ty này quá đắt đỏ.

Trong tuyên bố, Hewson đã gọi buổi gặp mặt vào ngày thứ 4 với ông Trump là "rất hữu ích". "Tôi đã có cuộc gặp mặt rất hữu ích với Tổng thống đắc cử Trump. Tôi đề cao cơ hội thảo luận tầm quan trọng của chương trình F-35 và việc xúc tiến hạ giá bán. F35 là chương trình cung cấp máy bay chiến đấu quan trọng cho quân đội Mỹ".

Ông Trump cũng chỉ trích chí phí cho chương trình F-35 đã vượt ngoài tầm kiểm soát

"Chương trình F-35 và chi phí đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Hàng tỷ USD có thể và sẽ được tiết kiệm cho quân đội và các khoản mua sắm khác sau ngày 20/1/2017 tới", ông Trump viết trên Twitter hôm 12/12 ám chỉ ngày 20/1/2017, ông nhậm chức Tổng thống Mỹ sẽ cắt giảm chi tiêu vượt quá ngưỡng cho phép.

Ngay sau tuyên bố của ông Trump, cổ phiếu của tập đoàn Lockheed Martin, "cha đẻ" của chương trình chiến đấu cơ F-35  lập tức giảm 2,6%. Đến giữa trưa, con số đã giảm 4%, sụt mất khoảng 4 tỷ USD của hãng sản xuất này.

Chương trình phát triển F-35 giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và nhà sản xuất Lockheed Martin đã hoàn tất đàm phán từ trước khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi đầu tháng 11. Chương trình này tiêu tốn 379 tỷ USD cho 2.443 chiến đấu cơ tàng hình F-35, hầu hết dành cho lực lượng không quân Mỹ, trở thành chương trình tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ.

Cũng trong ngày 21/12, ông Trump đã đề bạt nhà kinh tế Peter Navarro, người có tư tưởng cứng rắn với Trung Quốc, làm người đứng đầu nhóm hoạch định chính sách công nghiệp tại Nhà Trắng. Ông Trump cũng chỉ định tỷ phú Carl Icahn làm cố vấn đặc biệt cho chương trình xây dựng các quy tắc thương mại.

Ngoài ra, ông Trump còn yêu cầu 2 tập đoàn United Technologies Corp và Ford Motor thay đổi kế hoạch đưa việc ra làm ra nước ngoài song Ford cho biết, họ không có kế hoạch đóng cửa bất cứ nhà máy nào tại Mỹ.

Tin mới lên