Tài chính quốc tế

Trung Quốc bơm ròng 122 tỷ USD vào thị trường trong 1 tuần

(VNF) - Trong tuần qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm ròng 868 tỷ Nhân dân tệ (122 tỷ USD) vào thị trường nhằm duy trì tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng vào giai đoạn cuối quý III. Đây là động thái bơm tiền trong tuần lớn nhất kể từ tháng 1/2020.

Trung Quốc bơm ròng 122 tỷ USD vào thị trường trong 1 tuần

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm ròng 868 tỷ Nhân dân tệ (122 tỷ USD) vào thị trường.

Theo đó, PBoC ngày 30/9 đã bơm thêm 186 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 26,2 tỷ USD) vào thị trường, bao gồm các hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repo) trị giá 128 tỷ Nhân dân tệ (18 tỷ USD) với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 2%, hợp đồng mua lại đảo ngược trị giá 58 tỷ Nhân dân tệ (8 tỷ USD) có kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,15%.

Lũy kế trong tuần qua, PBoC đã bơm ròng tổng cộng 868 tỷ Nhân dân tệ (122 tỷ USD) vào thị trường. Hồi tuần trước, Trung Quốc cũng đã bơm ròng 92 tỷ Nhân dân tệ (12,9 tỷ USD) vào thị trường.

Kinh tế Trung Quốc đã khởi sắc trong quý III sau khi chững lại vào quý II. Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn bị cản trở trong bối cảnh các cơ quan chức năng quốc gia này vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược “Zero Covid” (Không Covid), thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng và nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu sụt giảm.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã quay trở lại xu hướng tăng khi chỉ số Quản lý thu mua (PMI) cao hơn ngưỡng trung lập 50 điểm.

Tuy nhiên, chỉ số PMI phi sản xuất, đo lường hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và xây dựng, chỉ đạt 50,6 điểm, thấp hơn 52,6 điểm trong tháng trước đồng thời thấp hơn dự báo 52,4 điểm của giới chuyên gia.

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế châu Á được công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, lần đầu tiên trong hơn trong ba thập kỷ, phần còn lại của châu Á đang phát triển và sẽ phát triển nhanh hơn Trung Quốc.

ADB dự báo ​​khu vực các nước đang phát triển ở châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2022 trong khi Trung Quốc chỉ tăng 3,3%.

Tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 xuống 4,5% từ mức 4,8% trong dự báo hồi tháng 4 do "nhu cầu bên ngoài suy giảm tiếp tục làm giảm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất".

Theo ADB, nguyên nhân đến từ chính sách Không Covid của Trung Quốc, các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản và hoạt động kinh tế chậm lại do nhu cầu hàng hoá ngoài Trung Quốc giảm.

Xem thêm >> Ông Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập Kherson và Zaporozhie trước ‘giờ G’

Tin mới lên