Tài chính quốc tế

Trung Quốc cần Apple trong thương chiến với Mỹ

Việc Apple và hãng lắp ráp iPhone Foxconn vi phạm luật lao động Trung Quốc khiến nhiều người cho rằng đây là cái cớ khá tốt để Bắc Kinh mạnh tay với hãng công nghệ Mỹ.

Trung Quốc cần Apple trong thương chiến với Mỹ

CEO Apple Tim Cook trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump Ảnh: Reuters

Tuy nhiên theo nhà báo Alex Webb của tờ Bloomberg, có nhiều lý do hợp lý giải thích tại sao Trung Quốc có thể không muốn làm mạnh tay với nhà sản xuất iPhone. Apple đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương và giữa bối cảnh căng thẳng thương mại, công nghệ leo thang với Mỹ. Hãng có trụ sở ở California còn đóng một vai trò khác, đó là vận động hành lang tại Washington D.C. cho các lợi ích tương tự như ở Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp dọa áp thuế lên hàng trăm tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trung Quốc đáp trả bằng cách nhắm vào nông dân Mỹ. Đến nay, Apple xoay sở tốt để đứng ngoài "tầm ngắm" của chính quyền Trung Quốc, ngay cả khi doanh số của hãng tại thị trường này chật vật.

Phần lớn hoạt động sản xuất của Apple là ở Trung Quốc, vì vậy chuyện áp thuế không khả thi. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn còn nhiều "chiêu" khác để làm khó hãng Mỹ. Hãy lấy vụ việc diễn ra với một số doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc.

Các hãng như Samsung Electronics, Hyundai Motor và LG Electronics đều đang chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sau khi đối mặt cạnh tranh gay gắt và môi trường quy định thiếu thuận lợi. Cuộc tranh cãi về việc Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ khiến dân Trung Quốc tẩy chay doanh nghiệp Hàn Quốc. Vụ việc lớn đến mức chuỗi siêu thị Lotte Mart phải bán hoạt động ở Trung Quốc của họ.

Bản chất việc vi phạm luật lao động gần đây của Apple có vẻ như giúp Trung Quốc dễ dàng biện minh cho các biện pháp trả đũa. Hàng triệu việc làm mà Apple, Foxconn và các nhà cung ứng khác ở Trung Quốc tạo ra đồng nghĩa với việc bất cứ sự áp đặt nào lên sản phẩm của Apple hay các hãng trên đều sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế địa phương.

Việc Apple và Foxconn tuyển số lượng nhân viên thời vụ cao hơn mức cho phép (khoảng gần 50% tổng số nhân viên so với mức cho phép là 10%) làm suy yếu lập luận trên. Lợi ích kinh tế của Trung Quốc càng ít thì nước này càng dễ làm khó Apple.

Tuy nhiên năng lực vận động hành lang của Apple cũng là lợi ích tất yếu cho Trung Quốc. Thực tế đơn giản là khi nhắc đến thương mại, lợi ích của Apple thường trùng với lợi ích Trung Quốc. Doanh nghiệp này dành cả thập niên để xây dựng chuỗi cung ứng phức tạp trên cả nước, đưa hơn 350 cơ sở sản xuất Trung Quốc vào danh sách các nhà cung ứng.

Năm 2017, hãng táo khuyết cho biết họ tạo ra và hỗ trợ 4,8 triệu việc làm ở Trung Quốc. Việc áp thuế quan cao nhắm vào Apple sẽ gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp lẫn quốc gia Đông Á. Apple cũng sẽ mất tầm một thập niên để nhân rộng hoạt động tại Việt Nam, Ấn Độ hay Indonesia.

Tư cách nhân tố vận động hành lang của CEO Apple Tim Cook thể hiện rõ tại bữa ăn tối giữa ông và Tổng thống Trump hồi tháng trước. Tổng thống Mỹ cho rằng ông Cook có lý khi nói rằng thuế quan áp lên hàng Apple sẽ đánh bại hãng này trong cuộc cạnh tranh với Samsung, hãng có smartphone phủ sóng rộng hơn trên thế giới. Ông Trump đã trì hoãn áp thuế quan 10% lên nhiều sản phẩm, trong đó có iPhone, đến giữa tháng 12 để tránh ảnh hưởng đến hàng hóa dịp mua sắm Giáng sinh.

Tin mới lên