Tài chính quốc tế

Trung Quốc cảnh báo George Soros: Đừng hy vọng đặt cược vào nhân dân tệ!

(VNF) - Tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có bài viết gửi thông điệp cảnh báo tới nhà đầu cơ tiền tệ George Soros về ý định đặt cược vào đồng nhân dân tệ của nước này.

Trung Quốc cảnh báo George Soros: Đừng hy vọng đặt cược vào nhân dân tệ!

Thông điệp được đưa ra trong một bài viết trên tờ People's Daily phiên bản quốc tế, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, với đầu đề "Tuyên bố đặt cược vào tiền tệ Trung Quốc ư? Ha ha".

Trong bài viết này, một  nghiên cứu viên của Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra nhận định: "Việc Soros đặt cược vào nhân dân tệ và đô la Hồng Kông rõ ràng là không thể nào thành công".

Lời cảnh báo được đưa ra khi Bắc Kinh đang nỗ lực để ngăn chặn dòng vốn đang chảy ra khỏi nước này cũng như vực dậy niềm tin vào đồng nhân dân tệ. Đồng tệ Trung Quốc đã giảm khoảng 5,7% kể từ tháng 8/2015, khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) quyết định phá giá mạnh tiền tệ.

Tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Bloomberg, tỷ phú Soros cho biết ông đã đặt cược vào chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500 sẽ tiếp tục sụt giảm, các đồng tiền châu Á sẽ giảm so với USD cũng như các tài sản có liên quan đến các nước sản xuất hàng hóa. 

Mặc dù Soros không đề cập cụ thể ông đã đặt cược vào đồng nhân dân tệ hay đồng đô la Hồng Kông, tuy nhiên, ông nói rằng Trung Quốc là một trong những "nguyên nhân gốc rễ" gây ra tình trạng "thị trường con gấu" của chứng khoán toàn cầu và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khó tránh khỏi một cú "hạ cánh cứng" (tình huống xảy ra khi nền kinh tế một nước nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp, và sau đó là suy thoái).

Soros cũng chỉ ra rằng suy thoái kinh tế của Trung Quốc sẽ gây ra một rủi ro ngắn hạn lớn hơn đối với các nước khác hơn là bản thân Trung Quốc, chủ yếu là do tác động giảm phát của Trung Quốc đến giá cả hàng hóa toàn cầu. "Trung Quốc có thể quản lý nó", ông nói. "Quốc gia này có nguồn tài nguyên lớn và và dự trữ ngoại hối hơn 3 nghìn tỷ USD".

Trong một bài xã luận bằng tiếng Anh được xuất bản vào thứ Bảy tuần trước, hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc chính thức chỉ trích "những ai đang muốn đặt cược vào sự thất bại của nền kinh tế Trung Quốc". Bài viết này tiếp tục cảnh báo rằng "những suy đoán thiếu thận trọng và những hành động bán khống sẽ phải trả giá và có thể gánh hậu quả pháp lý nghiêm trọng".

Các quan chức điều hành ngoại hối của Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng "không có cơ sở" cho việc đồng nhân dân tệ sẽ giảm giá mạnh, và một cố vấn hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sỹ) trong tuần trước rằng "Trung Quốc không có ý định phá giá tiền tệ".

Trở lại năm 1992, Soros đã củng cố danh tiếng của mình như một nhà đầu cơ tiền tệ hàng đầu trên thế giới với thương vụ đặt cược đồng bảng Anh sẽ giảm giá.

Vào ngày thứ Tư "đen tối" 16/9/1992, Soros đột nhiên trở nên nổi tiếng khi bán khống lượng bảng Anh có giá trị tương đương trên 10 tỷ USD, và kiếm lợi từ việc Ngân hàng Trung ương Anh do dự lựa chọn hoặc nâng lãi suất nội tệ lên ngang bằng với lãi suất tại các nền kinh tế khác thuộc Tổ chức các nước sử dụng hệ thống tỷ giá hối đoái châu Âu, hoặc thả nổi đồng nội tệ.

Cuối cùng, Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải rút đồng bảng Anh ra khỏi cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu và phá giá đồng bảng. Soros kiếm được khoảng 1,1 tỷ USD trong phi vụ này và được biết đến với biệt danh "kẻ phá hoại Ngân hàng Trung ương Anh". Những người thân cận của Soros có lần tiết lộ, khi thấy những điểm yếu của đồng bảng trong thời điểm đó, Soros đã hối thúc những người dưới quyền tận dụng lợi thế của mình chuẩn bị cho cuộc "tấn công" vào đồng tiền này.

Năm 1997, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Soros một lần nữa đặt cược vào đồng tiền của các quốc gia, trong đó khu vực Đông Nam Á rơi vào tầm ngắm. Quỹ đầu cơ của Soros bị cáo buộc đã gây áp lực lên các đồng tiền để hưởng lợi trực tiếp từ chiến lược đầu cơ vào đồng tiền đó. Soros phản bác các cáo buộc và nói rằng quỹ của ông đơn thuần kiếm lợi từ chính những yếu kém của hệ thống tài chính thế giới mà ai cũng biết. 

Cách nhìn của giới đầu tư quốc tế cũng như lãnh đạo các nền kinh tế về Soros không đồng nhất, bởi với nhiều người, Soros như một tội đồ vì đã gây áp lực lên các đồng tiền để kiếm lợi. Song người ta đều nhìn nhận Soros là một nhà đầu tư huyền thoại, với những nhận định xác đáng về sức khỏe nền tài chính thế giới. 
 

Tin mới lên