Tài chính quốc tế

Trung Quốc chịu thiệt hay hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine?

(VNF) - Trung Quốc không chỉ là một đồng minh thân thiết của Nga trong thời gian gần đây, mà còn là đối tác thương mại hàng đầu của Ukraine trong gần 1 thập kỷ qua. Việc Nga phát động chiến dịch tấn công vào quốc gia Đông Âu chắc chắn không phải điều Trung Quốc mong muốn, nhưng liệu Trung Quốc có phải chịu thiệt vì cuộc khủng hoảng?

Trung Quốc chịu thiệt hay hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp mặt trong ngày Bắc Kinh khai mạc Thế vận hội mùa đông 2022.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn vào Ukraine

Ukraine, quốc gia đang bị kẹt trong cuộc khủng hoảng an ninh với Nga, đã chứng kiến nguồn đầu tư ngày càng tăng từ Trung Quốc trong những năm gần đây. Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Ukraine cũng đã phát triển đáng kể kể từ chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào năm 2013 của Tổng thống đương nhiệm của Ukraine lúc bấy giờ là ông Viktor Yanukovych.

Năm 2019, Trung Quốc đã vượt qua Nga để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Tổng kim ngạch thương mại giữa 2 nước năm 2021 đạt 18,98 tỷ USD, tăng gần 80% so với năm 2013, theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Nhà nước Ukraine.

Xuất khẩu của Ukraine sang Trung Quốc, chủ yếu là các mặt hàng như quặng sắt, ngô và dầu hướng dương, đạt 8,0 tỷ USD vào năm 2021, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc và hàng tiêu dùng, đạt 10,97 tỷ USD.

Thương mại song phương gia tăng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra mắt dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sắt trực tiếp giữa hai nước, mặc dù tần suất vẫn còn thấp. Ukraine cũng là điểm dừng của tuyến Đường sắt Trung Quốc - châu Âu, tuyến đường này đã giúp giảm bớt đau đầu về hậu cần cho các công ty Trung Quốc trong đại dịch COVID-19.

Ukraine cũng là một trung tâm quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Năm 2020, hai bên đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm tài chính và xây dựng cơ sở hạ tầng các dự án.

Các công ty lớn của Trung Quốc có hoạt động tại Ukraine bao gồm tập đoàn lương thực nhà nước COFCO Corp (CNCOF.UL), các nhà xây dựng nhà nước Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương Trung Quốc và Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC), và tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei Technologies (HWT.UL).

Đầu tư trực tiếp của các công ty Trung Quốc vào Ukraine đạt 150 triệu USD vào cuối năm 2019, theo dữ liệu của Trung Quốc. Trong ba quý đầu năm 2020, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 75,7 triệu USD vào các dự án ở Ukraine, theo Đại sứ quán Ukraine tại Trung Quốc.

Tập đoàn Xây dựng Điện của Trung Quốc cũng đã ký một thỏa thuận xây dựng một nhà máy điện gió 800 MW trị giá 1 tỷ USD với các đối tác địa phương ở Donetsk, đây sẽ là công viên gió trên bờ lớn nhất châu Âu.

Với những khoản đầu tư to lớn vào Ukraine, chắc chắn việc quốc gia Đông Âu bị Nga tấn công sẽ không phải là điều Trung Quốc mong đợi.

Tuy nhiên, với việc Nga làm căng thẳng leo thang dẫn tới loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh, dòng chảy thương mại của Nga dần chuyển sang Trung Quốc, trở thành nguồn lợi không nhỏ mà quốc gia châu Á nhận được từ cuộc khủng hoảng.

Lợi ích từ việc trở thành đồng minh với Nga

Một đánh giá về dữ liệu thương mại của Ngân hàng Thế giới và Liên hợp quốc cho thấy kể từ khi các biện pháp trừng phạt nhẹ hơn được áp dụng vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea, Trung Quốc đã trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của quốc gia này.

Harry Broadman, một cựu nhà đàm phán thương mại của Mỹ và là quan chức Ngân hàng Thế giới với Trung Quốc và Nga cho biết, các biện pháp trừng phạt mới có thể khiến Nga cố gắng làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại bằng đồng USD với Bắc Kinh trong nỗ lực vượt qua các hạn chế.

Một đánh giá về dữ liệu thương mại của Nga trong cơ sở dữ liệu Giải pháp Thương mại Quốc tế Thế giới của Ngân hàng Thế giới cho thấy sự phụ thuộc của Nga vào thương mại đã giảm trong 20 năm qua.

Các điểm đến xuất khẩu của Nga cũng đã thay đổi. Hà Lan là điểm đến xuất khẩu hàng đầu cách đây một thập kỷ, do hoạt động thương mại dầu mỏ, nhưng đã bị Trung Quốc thay thế vai trò đó. Việc mua hàng của Đức và Anh từ Nga phần lớn vẫn ổn định, trong khi nhập khẩu từ Belarus tăng.

Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp hàng nhập khẩu hàng đầu của Nga với các lĩnh vực điện thoại di động, máy tính, thiết bị viễn thông, đồ chơi, dệt may, quần áo và các bộ phận điện tử nằm trong số các danh mục hàng đầu.

Sau khi Mỹ và châu Âu công bố đòn trừng phạt đầu tiên với Moscow, các chuyên gia và quan chức Trung Quốc đã đưa ra đánh giá cho rằng các biện pháp này không có nhiều hiệu lực trong việc làm tổn hại nền kinh tế của Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying nhận xét: "Lập trường của chúng tôi là các biện pháp trừng phạt về cơ bản không bao giờ là phương tiện hữu hiệu để giải quyết vấn đề. Chúng tôi nhất quán phản đối tất cả các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp".

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng dường như Nga đã chuẩn bị tốt cho các lệnh trừng phạt của phương Tây trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hai sắc lệnh công nhận "Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR)" và "Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR)" là các quốc gia độc lập và có chủ quyền.

Do Nga có nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ bao gồm dầu khí, cũng như kim loại hiếm, nên Moscow có các biện pháp đáp trả, và việc hợp tác với Trung Quốc trong các hệ thống thanh toán có thể hạn chế tác động của bất kỳ lệnh trừng phạt nào của phương Tây.

Giới chuyên gia nhận định, kinh tế Trung Quốc chỉ chịu tác động "hạn chế" và "tối thiểu" từ bất cứ lệnh trừng phạt nào áp lên Nga. Không những vậy, theo giới quan sát, Trung Quốc thậm chí còn có thể thu lợi từ xung đột Ukraine.

Anna Kireeva - phó giáo sư tại Viện Quan hệ quốc tế Moscow (Nga), cho biết: "Tác động lên hợp tác kinh tế Nga - Trung sẽ khá giới hạn, chủ yếu là gắn với các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các công ty làm ăn thương mại với Donetsk và Lugansk".

Theo bà Anna, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có thể kích thích quốc gia này tìm kiếm các đối tác thương mại khác nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của nền kinh tế quốc gia vào thị trường thế giới, ví dụ như Trung Quốc.

Về lĩnh vực năng lượng, do Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, nên chắc chắn nước này sẽ chịu tác động bởi giá năng lượng tăng vọt.

Tuy nhiên, nhờ mối quan hệ hợp tác thân tình hơn lúc nào hết với Nga, từ thời điểm căng thẳng Ukraine leo thang, Nga bắt đầu chuyển hoạt động kinh doanh năng lượng sang châu Á. Đồng thời, Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng 30 năm với tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga để tăng cường nhập khẩu khí đốt với mức giá ổn định, giảm thiểu tác động từ việc giá năng lượng tăng cao trong thời gian dài.

Xem thêm >> Chuyên gia Trung Quốc: Lệnh trừng phạt từ phương Tây không thể làm khó Nga

Tin mới lên