Tài chính quốc tế

Trung Quốc có thể bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP

Năm nay, lần đầu sau ít nhất hai thập kỷ, Trung Quốc có thể không đặt con số cụ thể cho mục tiêu tăng trưởng GDP do tác động của đại dịch.

Trung Quốc có thể bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP

Tăng trưởng GDP Trung Quốc từ năm 1972 đến nay. Ảnh: Bloomberg

Nguồn tin của Bloomberg hôm 6/5 cho biết, các lãnh đạo Trung Quốc đang cân nhắc không thiết lập mục tiêu cụ thể cho tăng trưởng kinh tế năm nay nhưng thay vào đó, tại kỳ họp quốc hội cuối tháng này, một mô tả về mục tiêu tăng trưởng GDP có thể được công bố. Tuy nhiên, chưa có quyết định cuối cùng về việc mô tả mục tiêu tăng trưởng thế nào. Báo cáo hoạt động của chính phủ Trung Quốc, trong đó bao gồm mục tiêu GDP thường được sửa lại nhiều lần trước khi trình tại kỳ họp quốc hội.

Năm ngoái, tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt 6,1%, thấp hơn năm 2018 nhưng vẫn nằm trong chỉ tiêu 6-6,5%.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trong giai đoạn tồi tệ nhất 30 năm qua. Điều này khiến các lãnh đạo phải lựa chọn thiết lập một mục tiêu tăng trưởng thấp dưới kỳ vọng, một mục tiêu cao không tưởng hoặc phải bỏ qua nó.

Nếu bỏ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, điều này sẽ giải phóng các nhà hoạch định chính sách khỏi nghĩa vụ phải đưa ra các biện pháp kích thích đáng kể để đạt một mục tiêu tăng trưởng nhất định trong giai đoạn việc làm vẫn ổn định.

Trung Quốc đã công bố các chính sách nới lỏng tín dụng, giảm thuế và các kế hoạch bổ sung chi tiêu. Các nỗ lực này có mức độ vừa phải hơn các nền kinh tế lớn khác. Sự thận trọng của các lãnh đạo Trung Quốc được thúc đẩy bởi các nỗi sợ về vỡ nợ khi tổng số tiền vay tăng vọt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo khảo sát của Bloomberg với các chuyên gia kinh tế, tăng tưởng kinh tế cả năm nay của Trung Quốc có thể chậm lại chỉ còn 1,8%. Đây có thể là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc không đưa ra mục tiêu tăng trưởng trong ít nhất hai thập kỷ.

Một số chuyên gia kinh tế, trong đó có cố vấn ngân hàng trung ương Ma Jun đã công khai ủng hộ việc loại bỏ mục tiêu tăng trưởng vì nó tạo áp lực với các nhà hoạch định chính sách. Tại một cuộc họp Bộ Chính trị cuối tháng trước, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cũng hạ thấp tầm quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng cụ thể.

Tin mới lên