Tài chính quốc tế

Trung Quốc đã ‘giấu’ hàng nghìn tỷ USD nợ công như thế nào?

(VNF) - Khoản nợ không được báo cáo của chính phủ Trung Quốc có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD, đồng nghĩa tỷ lệ nợ / GDP của đất nước này đã đạt mức "báo động", S&P Global Ratings cho biết trong một báo cáo hôm 16/10.

Trung Quốc đã ‘giấu’ hàng nghìn tỷ USD nợ công như thế nào?

Tỷ lệ nợ của chính phủ Trung Quốc so với GDP là 60%

Các nhà phân tích ghi nhận một khoảng cách lớn giữa báo cáo đầu tư vào cơ sở hạ tầng và báo cáo tài trợ địa phương, được cho phép bởi chính quyền trung ương.

Theo đó, mức nợ thực tế trên bảng cân đối kế toán có thể cao gấp vài lần số tiền được công khai. Con số nợ thực tế khoảng từ 30 nghìn tỷ NDT đến 40 nghìn tỷ NDT, tương đương khoảng 4,34 nghìn tỷ USD đến 5,78 nghìn tỷ USD, các nhà phân tích tín dụng Gloria Lu, Laura Li và các cộng sự cho biết trong báo cáo.

"Đó là một tảng băng nợ với rủi ro tín dụng cực kỳ lớn" họ nói thêm. Các nhà phân tích của S&P còn ví "tảng băng nợ" nói trên với con tàu Titanic. Ước tính, tỷ lệ nợ của chính phủ so với GDP là 60% vào năm ngoái.

Để khuyến khích tăng trưởng kinh tế trong khu vực, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, thường sử dụng các cấu trúc tài chính được gọi là "phương tiện tài chính của chính phủ địa phương" hoặc LGFV.

Thông tin chi tiết về quy mô hoặc bản chất của những phương tiện nói trên không rõ ràng. Các nhà phân tích của S&P cho biết phần lớn khoản nợ ẩn nằm trong các phương tiện đó.

Do chính quyền địa phương Trung Quốc không được phép vay tiền từ thị trường vốn trong một thời gian dài, nên họ đã phải sử dụng các cấu trúc gọi vốn để "ngụy trang" cho khoản nợ và có đủ chi phí cho các dự án cơ sở hạ tầng, một trong những động cơ phát triển kinh tế địa phương chủ chốt.

Gần đây, do chính sách được nới lỏng, chính quyền địa phương đã bắt đầu được tự phát hành trái phiếu, đồng thời nhận thêm một số khoản hỗ trợ từ chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên LGFV vẫn tiếp tục được sử dụng. 

Theo S&P, các chính quyền địa phương đã tận dụng triệt để những nguồn tiền trên để trang trải chi phí của các dự án cơ sở hạ tầng.

Báo cáo của S&P kết luận, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, số nợ "ngầm" cao kỉ lục này có thể khiến chính quyền địa phương ở các cấp thấp, như cấp quận hay thành phố, buộc phải tuyên bố vỡ nợ.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại đáng kể trong những năm tới. Mức tăng trưởng GDP được dự đoán sẽ giảm nhẹ so với quý II và chỉ còn 6,6% trong quý III năm nay. Hơn nữa, chính sách cải cách ngân hàng của chính phủ Bắc Kinh càng khiến việc tiếp cận nguồn tín dụng bên ngoài khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ cũng được dự đoán sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới.

Tin mới lên