Tài chính quốc tế

Trung Quốc: Giá thịt lợn tăng phi mã, lạm phát cao nhất 6 năm

(VNF) - Theo dữ liệu được Cục thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc công bố mới đây, lạm phát tiêu dùng tháng 9 của nước này đã chạm ngưỡng 3%, tăng 0,2 % so với tháng trước và cao nhất kể từ tháng 11/2013.

Trung Quốc: Giá thịt lợn tăng phi mã, lạm phát cao nhất 6 năm

Vào tháng 9 vừa qua, giá thịt lợn ở Trung Quốc đã tăng 69,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo South China Morning Post (SCMP), cuộc khủng khoảng thịt lợn đã đẩy giá cả các mặt hàng tăng vọt khiến chỉ số lạm phát ở quốc gia đông dân nhất thế giới này tăng theo.

Cụ thể, vào tháng 9 vừa qua, giá thịt lợn ở Trung Quốc đã tăng 69,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy giá lương thực tăng 11,2%.

Cũng theo số liệu của NBS, chỉ số giá sản xuất tháng 9 (PPI) của Trung Quốc đã giảm thêm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này cũng tồi tệ hơn so với chỉ số giảm 0,8% hồi tháng 8 song phù hợp với kỳ vọng của giới phân tích về mức giá mà các nhà sản xuất phải chi trả.

Dấu mốc lạm phát 3% là giới hạn trần trong mục tiêu của Bắc Kinh đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả năm, tăng thêm áp lực cho chính phủ để tìm kiếm nguồn cung cấp thịt lợn mới trong bối cảnh dịch bệnh tả lợn châu Phi được dự kiến xóa sổ 1/2 đàn lợn nuôi ở Trung Quốc vào cuối năm nay.

Biểu đồ biến động giá thịt lợn Trung Quốc theo tháng so với cùng kỳ năm 2018 - Ảnh: NBS

Thịt lợn là nguyên liệu chính trong chế độ ăn của người Trung Quốc. Trung bình mỗi người tiêu thụ 54,4 kg/năm. Sản lượng tiêu thụ thịt lợn ở Trung Quốc chiếm tới một nửa của thế giới. Điều đó có nghĩa, việc khan hiếm thịt lợn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự ổn định xã hội.

Dịch tả lợn châu Phi bùng nổ đã khiến Trung Quốc phải tiêu hủy 100 triệu con lợn hồi năm 2018.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa mới đây cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn sẽ “cực kỳ nghiêm trọng” đến nửa đầu năm 2020.

Theo ông Hồ, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu 10 triệu tấn thịt lợn trong năm nay do đó các địa phương cần tăng cường sản xuất trong nước và đặt mục tiêu quay trở lại mức bình thường vào năm tới.

Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn thận trọng với việc phục hồi đàn lợn sau khi bị tổn thương do dịch bệnh bùng phát trước đó. Giá lợn con và lợn nái cũng tăng mạnh, khiến chi phí tái đàn của các trang trại trở nên đắt đỏ hơn. Việc tăng kích thước và trọng lượng những con lợn mà họ đã sở hữu có thể là bước tốt nhất tiếp theo.

Bên cạnh đó, Trung Quốc thời gian gần đây cũng đã tăng cường nhập khẩu thịt. Thịt lợn nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng 80% trong tháng 8 và 150% trong tháng 9 vừa qua để bù đắp khoảng trống do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Xem thêm >> Xin thị thực khó khăn, Nga đề xuất dời nơi họp của Liên hợp quốc ra khỏi Mỹ

Tin mới lên